Trong 02 ngày 25- 26/3/2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế Diễn Đàn Giáo Dục Việt Nam 2023 (Vietnam Education Symposium - VES 2023) với chủ đề “Giáo dục Mầm non Việt Nam – Tái định nghĩa và chuyển mình thay đổi”.
Hội thảo được tổ chức bởi Trường ĐHSP Hà Nội - Khoa Giáo dục Mầm non (với sự hỗ trợ của Đề án 33), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (EduNet – AVSE Global) và Tổ chức Giáo dục và tư vấn Faros Consulting . Đây là lần đầu tiên giáo dục mầm non trở thành đề tài quan tâm chung của cộng đồng thực hành và giới nghiên cứu trong một sự kiện
Nội dung Hội thảo bao gồm các chủ đề:
Hội thảo đã thu hút gần 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hàng trăm đại biểu tham dự online là các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục đến từ nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Úc, Pháp, New Zealand, Nhật Bản, Việt Nam… cùng trao đổi, thảo luận về các lý thuyết, cách tiếp cận trong nghiên cứu về trẻ em và giáo dục mầm non. Các báo cáo khách mời đến từ Đại học Columbia (Mỹ), Nantes (Pháp), Auckland (New Zealand), Đại học Sư phạm Indonesia và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cung cấp các khía cạnh đa chiều trong nghiên cứu về tâm lý trẻ, vai trò của cha mẹ trong giáo dục mầm non, chương trình giáo dục ở trường mầm non phát triển toàn diện thể chất và tinh thần cho trẻ…
GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội phát biểu khai mạc
Bên cạnh đó, các phiên thảo luận của hội thảo đã thu hút gần 30 báo cáo của các nhóm nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học trong nước và quốc tế như ĐHSP Hà Nội, Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, ĐHSP Huế, Đại học Hồng Đức, ĐHSP Đà Nẵng, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ĐH Hiroshima và Shukutoku (Nhật Bản), ĐH Iowa (Mỹ), Tổ chức VVOB…
Những vấn đề được thảo luận trong Hội thảo góp phần làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra đối với giáo dục mầm non Việt Nam và tìm kiếm giải pháp kiến tạo nền giáo dục mầm non chất lượng, sáng tạo vì sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc của trẻ em, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại sự kiện.
Đặc biệt, ngày 26/03 là Ngày Cộng đồng thực hành giáo dục mầm non, thu hút sự tham gia của người làm giáo dục, nhà thực hành giáo dục mầm non (lãnh đạo/chủ trường mầm non, giáo viên, phụ huynh, những người hoạt động cộng đồng). Với chủ đề “Giáo dục Mầm non - Chuyển mình thay đổi”, 4 phiên thảo luận và 3 hội thảo nhóm mang đến những kiến thức thực tiễn có thể áp dụng vào công việc cho người thực hành giáo dục mầm non như: Nắm bắt được tinh thần cốt lõi của các phương pháp giáo dục mầm non và lựa chọn phương pháp phù hợp với mình; Tránh được những lầm tưởng trong hành trình làm giáo dục mầm non; Hiểu được khung năng lực và quá trình đào luyện năng lực cho mỗi vị trí trong giáo dục mầm non; biết được những khó khăn mà các nhà thực hành mầm non đang gặp phải bắt nguồn từ đâu và hướng giải quyết; cách hóa giải các xung đột trong nhà trường và với phụ huynh để biến nhà trường thành cộng đồng kiến tạo; xây dựng văn hóa nhà trường yêu thương, nề nếp và kỷ luật; cách tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi phù hợp với sự phát triển tâm lý của trẻ mầm non.
Theo TS. Cù Thị Thuỷ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cộng đồng thực hành Giáo dục mầm non bao gồm hàng ngàn cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non, phụ huynh, các tổ chức xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Tiếng nói của cộng đồng này vô cùng quan trọng để giúp cho các cơ sở đào tạo nắm bắt những đòi hỏi thực tiễn, làm căn cứ cho việc đổi mới đào tạo, giúp các nhà quản lý, những người làm chính sách đưa ra những quyết định phù hợp trong bối cảnh mới”
TS Cù Thị Thuỷ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại phiên Đối thoại cộng đồng
PGS.TS. Bùi Thị Lâm - Trưởng khoa GDMN- Trường ĐHSP Hà Nội cũng cho biết Trường ĐHSP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, sự kiện về chủ đề GDMN song đây là sự kiện đầu tiên mà nội dung không chỉ là các báo cáo học thuật của các chuyên gia trong và ngoài nước mà còn dành một ngày cho các phiên đối thoại cộng đồng để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý GDMN các cấp, giới thực hành giáo dục mầm non có sự kết nối, cùng nhau trao đổi, chia sẻ chuyên môn, tìm kiếm giải pháp để đảm bảo cho mọi trẻ em đều được thụ hưởng nền giáo dục mầm non có chất lượng.
Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của nhiều diễn giả và nhà giáo dục có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết trong ngành giáo dục, bao gồm: GS.TS NGUT Nguyễn Thị Hoàng Yến- Học viện QLGD, PGS. TS Nguyễn Đức Sơn- Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, TS Đỗ Thị Thảo - Phó trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội; TS Trần Thị Kim Liên, Giảng viên khoa Giáo dục mầm non - Trường ĐHSP Hà Nội; TS Hồ Lam Hồng, Nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường ĐHSP Hà Nội; TS. Trương Thị Kim Oanh- Chuyên gia giáo dục; Ths. Phan Thị Thuỳ Dương- Giám đốc hệ thống giáo dục Capi Edu; Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương - Người sáng lập và Chuyên gia tư vấn trưởng của FAROS Education & Consulting; ThS Đặng Thị Tuyết Thương - Chuyên gia đào tạo kỹ năng và quản trị vận hành cho người làm giáo dục; ThS Phạm Thị Hoài Thu - Người hướng dẫn Chương trình Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày - Dự án trợ giúp cha mẹ của Save the Children…và nhiều học giả trong nước và quốc tế khác.
Toàn cảnh đại biểu tham dự hội thảo
Các diễn giả tại phiên đối thoại cộng đồng
Hội thảo và đối thoại cộng đồng cũng đã góp phần thiết lập và duy trì mạng lưới trao đổi chuyên môn, học thuật giữa các cơ sở nghiên cứu đào tạo giáo viên mầm non trong và ngoài nước.
Tin bài và ảnh: Khoa GDMN