"Đào tạo nhà giáo xuất sắc có tinh thần nhân văn, tư duy hiện đại, hành động tích cực vì sự phát triển cộng đồng"
Ý nghĩa chung của Triết lý giáo dục:
Triết lý giáo dục là các quan điểm cốt lõi định hướng mục tiêu giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học, vai trò của giảng viên và người học trong hoạt động giáo dục.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với Triết lý giáo dục Đào tạo nhà giáo xuất sắc có tinh thần nhân văn, tư duy hiện đại, hành động tích cực vì sự phát triển cộng đồng hướng tới mục tiêu đào tạo ra những nhà giáo có lòng nhân ái, tình yêu thương con người, có ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; có tư duy độc lập, có khả năng cập nhật, sáng tạo cái mới có ích, có năng lực phản biện khoa học; xác định việc học đi đôi với hành, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, và đất nước; hành động tích cực vì sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc và nhân loại.
Nội dung của Triết lý giáo dục:
- Nhà giáo xuất sắc: Với vị trí là trường đầu ngành trong hệ thống các trường Sư phạm, tiến tới là Đại học Sư phạm trọng điểm quốc gia, Nhà trường hướng tới đào tạo nhà giáo không chỉ giỏi chuyên môn mà còn sáng tạo trong chuyên môn, trong nghề nghiệp; không chỉ mẫu mực về phẩm chất, lối sống mà còn góp phần hình thành và lan tỏa các phẩm chất cao đẹp đến người học. Trong bối cảnh cả nước và ngành giáo dục đang nỗ lực đổi mới giáo dục, Nhà trường hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ lực và tiên phong trong lĩnh vực đổi mới, phát triển giáo dục, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
- Tinh thần nhân văn: Là nền tảng cơ bản để người học tận tụy trong học tập, cống hiến trong công việc, vì cái chung, vì sự phát triển của cộng đồng, quan tâm đến mọi đối tượng người học trong cộng đồng, xây dựng một xã hội học tập bình đẳng. Tinh thần nhân văn sẽ giúp cho sinh viên trở thành công dân tốt, biết bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trong mọi bối cảnh, giá trị của tinh thần nhân văn phải trở thành giá trị quan trọng nhất, mang tính đặc trưng trong quá trình đào tạo của trường ĐHSP Hà Nội.
- Tư duy hiện đại: Người học cần được đào tạo để có tư duy mở, cập nhật và sáng tạo. Tư duy hiện đại giúp người học nhìn nhận vấn đề học tập với nhiều cách tiếp cận biện chứng, có phản biện khoa học để sáng tạo. Tư duy hiện đại cũng sẽ giúp người học rèn luyện khả năng tự học, tìm tòi, khám phá, tự bổ sung kiến thức, dám nghĩ, dám làm, có ý thức và khả năng học tập suốt đời. Quá trình đào tạo ở trường sư phạm không chỉ rèn luyện cho bản thân người học có tư duy hiện đại mà còn hướng họ tới việc có ý thức khơi dậy ở học sinh của mình tư duy hiện đại.
- Hành động tích cực vì sự phát triển cộng đồng: Giáo dục để người học nhận thức được việc học tập là khởi nguồn của hành động đúng đắn và cao đẹp, học để làm, học để vận dụng và để góp phần phát triển xã hội, học để phục vụ đất nước và nhân loại. Trong quá trình đào tạo, Nhà trường tạo cơ hội để người học được vận dụng những điều đã học vào thực tiễn công việc và cuộc sống, giúp họ hình thành và phát triển nhân cách, rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực để lan tỏa cho thế hệ tương lai; để cống hiến cho đất nước và nhân loại.
Các nội dung của Triết lý giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không chỉ phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục và phát triển đất nước; đáp ứng nhu cầu của người học, của xã hội hiện nay; mà còn dự báo tính thích ứng trong cả tương lai. Triết lý giáo dục là kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Trường.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 930 / QĐ – ĐHSPHN ngày 06 tháng 05 năm 2020
của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)