Trong 3 ngày (từ ngày 05/01 đến ngày 07/01/2022), Khoa Giáo dục Mầm non – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Mạng lưới Phát triển trẻ thơ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ARNEC) đã tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến Quốc gia về Đào tạo giáo viên mầm non khu vực châu Á – Thái Bình Dương về phát triển năng lực cảm xúc – xã hội.
Hội thảo lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện Cuốn Sổ tay và 10 mô–đun đào tạo giáo viên mầm non về phát triển năng lực cảm xúc – xã hội (APETT–SEL). Đây là bộ tài liệu được phát triển bởi Văn phòng Giáo dục khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO (UNESCO Bangkok), với Mạng lưới Phát triển trẻ thơ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ARNEC) là đối tác kỹ thuật và được tài trợ bởi Quỹ Tín thác Nhật Bản, (JPIT). Cuốn sổ tay và các mô–đun nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc nâng cao (1) kiến thức về phát triển năng lực cảm xúc – xã hội của trẻ và quản lý lớp học; (2) các chiến lược để áp dụng trong lớp học; và (3) phát triển năng lực cảm xúc - xã hội của giáo viên.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế như UNICEF, ChildFund, VVOB, Aid et Action…; các vụ, viện, trung tâm nghiên cứu; các trường đại học có đào tạo giáo viên mầm non; các nhà quản lí và giáo viên mầm non trên cả nước từ thành phố Hồ Chí Minh tới Hà Nội …
Bà Evelyn Santiago, Giám đốc điều hành của Mạng lưới phát triển trẻ thơ
khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ARNEC) phát biểu khai mạc Hội thảo
Đây là một trong chuỗi hoạt động hợp tác quốc tế hướng tới đổi mới giáo dục mầm non trong bối cảnh toàn cầu hóa. Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Evelyn Santiago, Giám đốc điều hành Mạng lưới Phát triển trẻ thơ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ARNEC) bày tỏ sự vui mừng và kì vọng về một khởi đầu tuyệt vời trong năm 2022, cũng là khởi đầu sự hợp tác với Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
PGS.TS Bùi Thị Lâm, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non nhấn mạnh : Phát triển năng lực cảm xúc – xã hội cho giáo viên mầm non và trẻ em là mối quan tâm của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chỉ đạo, đặc biệt là giáo viên mầm non, bởi theo định hướng đổi mới Giáo dục mầm non sau năm 2020, chương trình được xây dựng dựa trên trục chính là lĩnh vực phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội. Giáo viên mầm non đóng vai trò quan trọng vì họ thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ, họ cần có năng lực cảm xúc – xã hội, làm gương và thể hiện năng lực đó trong việc hỗ trợ trẻ phát triển. Cuốn sổ tay và các mô–đun đào tạo là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển năng lực cảm xúc – xã hội cho giáo viên mầm non.
PGS.TS Bùi Thị Lâm, Trưởng Khoa GDMN Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu chào mừng Hội thảo
Tại Hội thảo, bà Monisha Singh Diwan, Trưởng nhóm tư vấn ECE – SEL, ARNEC trình bày 10 mô–đun xoay quanh 04 chủ đề: (1) Bồi dưỡng năng lực cảm xúc– xã hội cho giáo viên, (2) Xây dựng lớp học kiến tạo xã hội, (3) Tôn trọng sự khác biệt, (4) Theo dõi và đánh giá.
Bà Monisha Singh Diwan, Trưởng nhóm tư vấn ECE– SEL ARNEC,
Diễn giả chính của Hội thảo
Đến với hội thảo, các đại biểu/học viên được lắng nghe và chia sẻ cùng chuyên gia về nhiều nội dung thú vị như: Khoa học thần kinh về xúc cảm, nhận thức và điều tiết cảm xúc, chánh niệm và giảm thiểu căng thẳng, phát triển năng lực cảm xúc – xã hội theo phương pháp SAFER… Các đại biểu/học viên đều kì vọng sẽ vận dụng hiệu quả những kiến thức mới về phát triển năng lực cảm xúc – xã hội vào trong quá trình đào tạo giáo viên mầm non, quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ thơ, cũng như trong chính cuộc sống của bản thân.
Một số thành viên tham dự Hội thảo
Hoạt động đầu năm mới 2022 đã ghi nhận những kết quả tốt đẹp, hứa hẹn một năm gặt hái nhiều thành công của Khoa Giáo dục Mầm non – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội!
Tin bài và ảnh: Khoa Giáo dục Mầm non