Trần Đức Thảo (1917 - 1993)
Là người nghiên cứu rất kĩ tư tưởng của Hegel, Giáo sư Trần Đức Thảo đã tìm thấy trong tư tưởng của triết gia này hạt nhân duy lí của phép biện chứng tinh thần. Để rồi từ đó, ông nghiên cứu sâu chủ nghĩa Marx, kết hợp với phương pháp Hiện tượng học của Husserl nhằm khai phóng lí thuyết giải phóng con người khỏi đời sống thuộc địa. Giáo sư Trần Đức Thảo nhận thức rất rõ chỉ có lí luận Duy vật biện chứng chủ nghĩa Marx mới giúp dân tộc mình thoát khỏi ách xiềng xích nô lệ thuộc địa. Và tác phẩm “Vấn đề Đông Dương” (1947) của ông được xem như là “tiếng nói” công khai bảo vệ quyền lợi các dân tộc thuộc địa Đông Dương trước nhà cầm quyền Pháp.
Hội thảo quốc tế về Trần Đức Thảo
Rời Pháp sau cuộc tranh luận với Jean Paul Sartre – chủ thuyết của phái hiện sinh Pháp, Giáo sư Trần Đức Thảo trở về Việt Nam. Ở Việt Nam, Giáo sư Trần Đức Thảo xem việc thúc đẩy nghiên cứu và giảng dạy các ngành khoa học cơ bản trong các trường đại học là nhiệm vụ hàng đầu của hoạt động giáo dục. Ban Văn – Sử - Địa (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Đại học Sư phạm Văn khoa (tiền thân của Đại học Sư phạm Hà Nội) đã ra đời cùng với những nỗ lực và tình yêu khoa học của Giáo sư Trần Đức Thảo. Giáo sư là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc đào tạo và phát triển các ngành Triết học, Sử học, Ngữ văn, Tâm lí học ...ở ngôi trường hàng đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đại biểu dự hội thảo
Về cơ bản, quá trình nghiên cứu và giảng dạy Triết học của Giáo sư Trần Đức Thảo tập trung vào 4 vấn đề then chốt:
Thứ nhất: Kết hợp giữa Chủ nghĩa Marx và Phương pháp Hiện tượng học Husserl nhằm đi tìm căn nguyên khởi phát sự vận động xã hội thông qua việc triển khai ý hướng tính về tính vật chất;
Thứ hai: Thông qua những phân tích Hiện tượng học, ông giải quyết triệt để vấn đề bản chất ngôn ngữ và sự nảy sinh ý thức thuần túy thông qua hoạt động lao động của xã hội loài người;
Thứ ba: Từ việc đi tìm bản chất ý thức, chủ thể tính hướng đến chống lại sự phân tầng cấu trúc xã hội của nhóm cấu trúc luận Marxist Pháp do Louis Pierre Althusser đứng đầu trong việc phủ nhận tính nhân bản thuần túy ở con người có từ thời Homo Sapiens;
Thư tư: Thông qua các tác phẩm cuối đời đăng trên tạp chí Tư tưởng Pháp, Giáo sư Trần Đức Thảo đã đặt nền móng về lí luận trong lĩnh vực nghiên cứu nhân học thuần túy ở Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn phát biểu tại hội thảo
Với những đóng góp to lớn về tư tưởng trên nhiều lĩnh vực như Triết học, Nhân học, Lịch Sử, Ngữ văn học, Tâm lí học ..., Giáo sư Trần Đức Thảo là một trong những nhà khoa học lớn nhất của Việt Nam thế kỉ XX. Vì thế, việc thảo luận, trao đổi về sự nghiệp và cuộc đời cũng như những tư tưởng của Giáo sư Trần Đức Thảo là việc làm cần thiết và có ý nghĩa cho sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo. Ngày 7/5/2013, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Tư tưởng Triết học và Giáo dục của Trần Đức Thảo”. Các báo cáo tham luận gửi đến hội thảo rất đa dạng về nội dung khoa học, cho thấy tầm ảnh hưởng của Giáo sư Trần Đức Thảo rất rộng, bao quát nhiều chuyên ngành, nhiều khía cạnh của một chuyên ngành và là những đề tài hết sức thú vị, tập trung vào ba chủ đề lớn: Con người và Sự nghiệp, tư tưởng Triết học và các lĩnh vực khoa học khác trong tư tưởng của Giáo sư Trần Đức Thảo.
Hồng Anh
Nguồn tin:Tạp chí Xưa & Nay