Ngày 18/4 là ngày mà toàn thể cộng đồng cùng hướng sự quan tâm tới những đối tượng giáo dục đặc biệt- những trẻ em và người khuyết tất còn nhiều thiệt thòi, khó khăn trong xã hội. Đối với toàn thể giảng viên, sinh viên thuộc Liên chi Đoàn khoa Giáo dục đặc biệt, đây cũng là dịp ý nghĩa để biểu thị tinh thần trách nhiệm đối với công việc giúp đỡ trẻ khuyết tật và người khuyết tật có thêm cơ hội hòa nhập với xã hội.
Trước buổi lễ, Liên chi Đoàn- Hội Sinh viên khoa Giáo dục đặc biệt đã tổ chức bán hàng gây quỹ để ủng hộ Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An. Các tranh ảnh, sổ tay, vòng handmade do chính người khuyết tật làm nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tham dự.
Đến dự "Lễ kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam", về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có TS. Nguyễn Bá Cường- Đảng ủy viên phụ trách công tác Thanh niên, Phó Chủ nhiệm khoa Triết học; về phía Đoàn Thanh niên Trường có ThS. Lê Xuân Quang- Bí thư Đoàn trường, ThS. Nguyễn Văn Thỏa- Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đoàn trường; về phía khoa Giáo dục đặc biệt có TS. Bùi Thị Lâm- Phó Bí thư Chi bộ khoa Giáo dục đặc biệt cùng hơn đông đảo giáo viên, sinh viên trong khoa. Chương trình còn có sự góp mặt của đại diện CLB Hoa hướng dương- Đại học Bách khoa Hà Nội và CLB Hoa đá- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 2 CLB nổi bật trong hoạt động vì người khuyết tật.
Bên cạnh chương trình văn nghệ và trò chơi sôi nổi, một hoạt động nổi bật trong buổi lễ là trình bày ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Sắc màu của LCĐ- HSV khoa Giáo dục đặc biệt. Với mục đích tạo ra một sân chơi bổ ích cho sinh viên, sẻ chia với cộng đồng, CLB Sắc màu sẽ có các chương trình tình nguyện mang lại lợi ích cho người khuyết tật. Song song với đó là hoạt động xây dựng nền tảng kiến thức, phát triển kỹ năng chuyên môn, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng niềm tin và lòng yêu nghề cho các bạn trẻ theo nghề dạy học.
Tại buổi lễ, Đoàn Thanh niên Trường ĐHSPHN đã trao 11 suất học bổng để ghi nhận, động viên tinh thần vượt khó của các sinh viên khuyết tật. Tổ chức KFHI cũng thể hiện tình cảm qua những suất học bổng khuyến khích dành cho các sinh viên này.
Lễ kỉ niệm đã gây xúc động cho người tham dự. Qua lời ca, tiếng hát, những lời phát biểu lạc quan và thành tích học tập xuất sắc, sinh viên khuyết tật trường Đại học Sư phạm Hà Nội là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần vượt lên số phận đáng quý:
"Dù không có đôi chân
Nhưng có hề gì
Trái tim tôi giàu cảm nhận
Dù mắt không thể nhìn
Nhưng có hề chi
Tâm trí tôi tràn đầy ánh sáng
Dù không thể nghe
Nhưng không sao
Tôi giao tiếp bằng cả trái tim mình
Tôi không phải là người vô dụng
Không phải là người không biết nghĩ suy
Không phải là người tự ti câm lặng
Và như tất cả mọi người
Tôi có thể yêu và làm thế giới này tốt đẹp hơn"
CLB Truyền thông Đoàn trường