Ông là "Nam quốc kỳ nhân", thuộc thế hệ vàng "một đi không trở lại" trong lịch sử Việt Nam chạy dài thế kỷ 20. GS Văn học Nguyễn Đình Chú, nay tóc đã bạc, da đã chớm mồi- không khỏi xúc động khi nói về Phạm Huy Thông với những lời trân trọng như vậy.
Ông là "Nam quốc kỳ nhân", thuộc thế hệ vàng "một đi không trở lại" trong lịch sử Việt Nam chạy dài thế kỷ 20. GS Văn học Nguyễn Đình Chú, nay tóc đã bạc, da đã chớm mồi- không khỏi xúc động khi nói về Phạm Huy Thông với những lời trân trọng như vậy.
Còn GS Sử học Phan Huy Lê thì tóm tắt: Bên cạnh sự thông tuệ của một nhà khoa học với những kiến thức liên ngành thấu đáo, bên cạnh tầm nhìn xa của một nhà quản lý, Phạm Huy Thông còn là hiện thân của chất nhân văn, sự lịch lãm được kết tinh giữa Hà Nội với Paris hoa lệ.
Sáng Thứ Bảy ngày 19/11, khi Hà Nội đang vào những ngày cuối thu nắng đẹp, trong trong không gian ấm cúng ở Viện Khoa học Xã hội, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đầu ngành của Việt Nam hiện nay, đã ngồi lại với nhau, để cùng nhắc nhớ về “người kỳ lạ của nước Nam”, trong nghĩa cử đón ngày sinh lần thứ 95 của ông (22/11/1916 - 22/11/2011).
GS Phạm Huy Thông tiếp khách Mỹ năm 1984 - Ảnh tư liệu của Viện Khảo cổ
Uyên bác
16 tuổi, Phạm Huy Thông gia nhập vào phong trào Thơ Mới (bài thơ "Tiếng địch sông Ô") với một “tâm hồn kỳ dị” mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã đặc tả như sau:
“Chưa bao giờ thơ ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền lành và xinh trai ấy. Anh hùng ca của Victor Huygo tưởng cũng chỉ thế. Giữa cái ẻo lả, cái ủy mị của những linh hồn chờ sa ngã, thơ Huy Thông đã ồ ạt đến như một luồng gió mới…”.
18 tuổi, “người thiếu niên xinh trai” tham gia tổng hội sinh viên, sáng tác những bài thơ nhiệt huyết khơi dậy tinh thần yêu nước.
21 tuổi, tốt nghiệp cử nhân luật và sang Pháp du học.
26 tuổi, đỗ tiến sĩ luật học và 28 tuổi thì thêm bằng thạc sĩ sử, địa.
31 tuổi, được phong là GS giữ chức ủy viên hội đồng giáo dục tối cao của Pháp.
“Nhắc lại con đường học vấn để thấy sự uyên bác có gốc gác từ hồi trẻ ‘và cả đời mình, ông không ngừng học hỏi để bổ sung kiến thức cho bản thân", PGS Nguyễn Lân Cường, Hội Khảo cổ học Việt Nam, người có hơn 20 năm làm việc với ông cho biết.
Năm 1946, Phạm Huy Thông là thư ký riêng của Hồ Chí Minh tại hội nghị Fontaineblau. Sau 3 năm hoạt động ở Pháp rồi bị quản thúc ở Hải Phòng, ông trở lại Việt Nam và “dấn thân vào cuộc đời rộng rãi” (một câu thơ của ông).
Trước khi làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho đến khi mất, ông từng có 10 năm làm hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ở vai nào, ông cũng là người luôn đi những bước tìm tòi khai mở trong buổi đầu.
Một trong những chi tiết chứng tỏ sự uyên bác của ông mà đến bây giờ, PGS Lân Cường vẫn còn nhớ như in: Ngày mới về đội khảo cổ với luận án “phương pháp nuôi cá mè ở ruộng nước” nhưng lại được phân công nghiên cứu về nhân chủng học, PGS Cường mới biết tiếng Nga và Trung. Gặp Phạm Huy Thông, cậu nhân viên trẻ lúc bấy giờ được giải thích cặn kẽ từ “nhân chủng học” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp như thế nào, rồi tiếng Latinh, Anh, Pháp, Đức, Hán Việt ra sao, Trang Tử đã giải thích “nhân loại” là gì…
Uy tín
GS Sử học Lương Ninh đem tới hội thảo những câu chuyện bên lề hiếm hoi, mà một trong số đó biểu thị uy tín của Phạm Huy Thông.
Đó là câu chuyện chữ ký Phạm Huy Thông vào “R” để vời luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra Bắc. Không biết cách nào, người của Bộ Nội vụ mang đến một tờ giấy và đề nghị Phạm Huy Thông ghi vào dòng chữ “Nên nghe theo người này” cùng với chữ ký nhìn là biết ngay nét ký phóng khoáng của ông. Sau đó thì Nguyễn Hữu Thọ ra thật.
Uy tín đến từ chính con người ông, kiến thức uyên bác, sự nghiêm cẩn, tinh thần chịu trách nhiệm của người làm khoa học và thao lược của một nhà quản lý.
Trong nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam bây giờ, khảo cổ học có lẽ là lĩnh vực có nhiều thành tựu hơn cả, và GS Phạm Huy Thông là người khởi xướng ngành khoa học này.
Viện trưởng đương nhiệm, PGS Tống Trung Tín nhìn nhận: “GS Thông đã tổ chức và lãnh đạo nghiên cứu thành công in dấu ấn đậm nét trên 3 lĩnh vực lớn của khảo cổ học Việt Nam. Đó là đề xuất khởi xướng nghiên cứu thời kỳ lịch sử Hùng Vương, đưa thời kỳ này từ mây mù huyền thoại, dã sử vào chính sử; đem ánh sáng của khảo cổ học soi rọi vào các thời kỳ lịch sử Việt Nam....
Ở những nơi Phạm Huy Thông từng làm quản lý, cộng sự đều đánh giá cao cách tạo môi trường học thuật cho những người làm nghiên cứu non trẻ.
Khi khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lập Hội đồng khoa học, giảng viên trẻ Nguyễn Đình Chú nhận được yêu cầu mỗi năm tổ chức 2 hội thảo. Lúc đó, ông đã ngần ngại vì rằng “vốn liếng chưa có là bao, không thể một năm hai lần được.
“Nhưng Hiệu trưởng khi đó, ông Phạm Huy Thông đúng là một thủ trưởng già dặn", GS Chú nhớ lại và từ áp lực đó, đã bằng mọi cách để thực thi yêu cầu của thủ trưởng. 2 năm sau, khi hoạt động đi vào nề nếp, thì hiệu trưởng Thông nói bây giờ một năm làm một lần thôi, vì đã đến giai đoạn tập trung vào chất lượng.
Các nhà khảo cổ học cũng nhắc đi nhắc lại sự kiên trì của vị viện trưởng trong việc tổ chức hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc hàng năm, để khảo cổ học “đi vào nhân dân, và từ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ”. Đến nay, hội nghị đã thành thông lệ thường niên và là sự kiện lớn nhất của giới này.
Duy trì tạp chí Khảo cổ học, Phạm Huy Thông nhận đăng cả những bài mà nơi khác không đăng “vì có yếu tố nhạy cảm”. Ông còn đào tạo bồi dưỡng cây viết trẻ bằng cách đưa họ vào làm công tác biên tập tạp chí một thời gian để qua đó mài rũa văn phong, học tập cách cấu trúc, trình bày công trình khoa học….
Viện trưởng đương đại, PGS Tống Trung Tín khái quát một đặc thù tổ chức của lãnh đạo tiền bối:
"GS Phạm Huy Thông không giới hạn ở việc coi khảo cổ học chỉ nghiên cứu những cái gì do con người làm ra hay để lại, mà trước tiên cần nghiên cứu chủ thể sáng tạo ra các thực thể văn hóa đó, tức là nghiên cứu con người – chủ nhân văn hóa đó cả về hình thái lẫn ý thức. Chính vì vậy mà trong cơ cấu tổ chức của viện khảo cổ cũng như trong công trình nghiên cứu về một di tích, Phạm Huy Thông luôn chú ý xây dựng các khía cạnh về con người, môi trường.
Uy tín của ông được thừa nhận với giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1999 – 2000.
Nhưng có câu chuyện ít tai biết, đằng sau đó. Theo lời kể của GS Lương Ninh, khi ông được mời vào thẩm định phản biện giải thưởng, người ta đã đặt vấn đề: Phạm Huy Thông có ít bài nghiên cứu, đứng tên công trình thì không có, như vậy không đủ tiêu chuẩn để xét. Nghe vậy, GS Ninh phải chứng minh rằng ảnh hưởng trong tổ chức và dẫn dắt của Phạm Huy Thông rất lớn. Ví dụ trực tiếp ngay là có một tập sách mà GS Lương Ninh có đứng tên nhưng đằng sau đó là vai trò đề dẫn rất lớn của GS Thông.
Ưu ái
Kể lại câu chuyện cuộc sống của Phạm Huy Thông, các nhà khoa học đều nhắc tới phong thái mà họ gọi là chất nhân văn: lịch thiệp trong xử thế và quan tâm tới con người, đặc biệt là sự chu đáo của ông với các nhân viên vào các ngày hiếu, hỉ hay sự kiện quan trọng trong cuộc sống.
GS Phan Huy Lê đến nay còn giữ đến nay khá nhiều danh thiếp và những mẩu giấy nhỏ của ông cảm ơn khi nhận được sách gửi tặng hoặc trả lời hay trao đổi, hẹn gặp về một việc gì đó.
Trong ấn tượng của những ‘cây đa cây đề của dân sư phạm 1 Hà Nội còn ghi nhớ cách giao tiếp lịch sự "từ trong máu thịt" của vị Hiệu trưởng này. Nhà ở Hồ Xuân Hương thuộc nội thành, hàng ngày sau giờ làm việc, Phạm Huy Thông có ô tô Mốt cô vít đưa về nhà. Trên ô tô của ông chẳng hôm nào không có người đi nhờ. Hôm là vị giảng viên trẻ tuổi, hôm là chị nhân viên hay cấp dưỡng cần về kịp cho con bú.
Một trong những người mang ơn GS Thông nhiều có lẽ là GS Nguyễn Đình Chú.
Sau cải cách ruộng đất, “nhờ khe hở của lịch sử”, ông được giữ lại giảng dạy ở ĐH Sư phạm, làm trợ lý cho GS Trần Đức Thảo, một nhà triết học nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Nhưng lúc bấy giờ, nạn Nhân văn giai phẩm ập đến, phong trào “đấu tranh giai cấp” lan tới sâu rộng và GS Thảo đã vướng vào bi kịch. Anh thanh niên Nguyễn Đình Chú, có liên đới tới GS Thảo, bấy giờ như cá nằm trên thớt. Lúc nào đi qua phòng tổ chức cán bộ của trường cũng nơm nớp sợ bị gọi vào nhận quyết định thuyên chuyển lên dạy miền núi hay đâu đó như nhiều người khác. Nhưng một chuyện đã xảy ra khi vào một chiều mùa đông, Phạm Huy Thông đã gọi vào phòng và nói: “Tôi có điều muốn nói với anh. Tôi biết anh có điều buồn. Nhưng tôi đang làm hiệu trưởng thì anh yên tâm đi. Tôi kỳ vọng ở anh”. Vậy là GS Chú ở lại và miệt mài góp sức xây dựng khoa Ngữ văn đến nay thành một nơi làm khoa học có tên tuổi trong nước.
Uẩn khúc
Mang nhiều cảm xúc tới hội thảo, GS Nguyễn Đình Chú tha thiết nói trước giờ kết thúc, rằng: Dù thế nào, thì GS Phạm Huy Thông cũng là một con người; trong cuộc đời không tránh khỏi khoảnh khắc sai lầm vì “cũng phải làm nhiệm vụ chính trị của mình”. Và ông nói lại hai chuyện để “chúng ta hiểu về con người Phạm Huy Thông hơn”.
Trong phong trào tố Nhân văn - Giai phẩm, Phạm Huy Thông cũng có bài viết “đập” nhà triết học Trần Đức Thảo. Khi về nhà, bố ông đã quát thẳng: “Tôi không ngờ anh đối xử với bạn anh như thế”.
Sau đó, một người trong trường tên là Hòa Bình, có nhiệm vụ phải tập hợp hồ sơ Nhân văn - Giai phẩm gửi lên Trung ương. Trước khi gửi đi, Phạm Huy Thông hỏi đồng sự: "Những điều anh viết và những điều anh từng nghĩ có khác nhau không”. Được chạm đúng vào điều khó nói, người thư ký này trả lời ngay: "Tôi đã nghĩ khác, nhưng viết khác”. Phạm Huy Thông an ủi: "Chúng ta là người của tổ chức, thì làm theo tổ chức”.
"Tôi biết, sau đó ông trĩu nặng nỗi buồn và đầy day dứt. Một Phạm Huy Thông cũng không thoát khỏi “bi kịch trần gian” – GS Chú nhớ lại.
Cũng dạo đó liên quan tới chuyện "đấu tranh giai cấp", trường sư phạm có nhận được chỉ đạo lập danh sách đưa một số người ra khỏi trường. Khi hỏi ý kiến, ông Thông nói “nếu thế thì ghi tên tôi vào số 1 danh sách này”. Việc này, sau đó bị bãi bỏ.
++++++++++++++++++
GS Phan Huy Lê phác họa tinh thần Phạm Huy Thông: Ông là một nhà trí thức uyên bác và tài hoa trên nhiều lĩnh vực, từ thi ca đến luật học, sử học, khảo cổ học, nhưng hình như niềm đam mê suốt đời của ông là lịch sử và chất sử thấm vào ông trên tất cả các sáng tác, nghiên cứu và hoạt động xã hội.
Trước khi sang Pháp học sử, học địa, học luật…rồi trở về Việt Nam gắn cả cuộc đời với nghiệp nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, Phạm Huy Thông ghi dấu vào “thời đại mới trong thi ca Việt Nam” với một đặc trưng lạ, lấy cảm hứng từ những nhân vật lịch sử, mang tới một không khí khác thường trong mơ ước:
“Tôi muốn hóa con chim để cùng gió
Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng”.
Đúng như một nhà phê bình văn học quan sát, “thập niên 30 – đáng kính là những người chiến bại”, thi sĩ Huy Thông không né tránh những thất bại của người anh hùng trong lịch sử.
Mượn hình ảnh Kinh Kha trong lịch sử Trung Hoa, rồi Phan Bội Châu đương thời, ông ca ngợi những người vì chí lớn, dám xông pha trên mọi hiểm nguy để thực hiện nó nhưng cuối cùng chưa chạm đích thành công.
Đây là câu chuyện của thời đại Huy Thông, thời đại của bao người anh hùng đã không chấp nhận thực tế ngang trái, thấp hèn, không chán chường buông trôi bạc nhược mà đi tìm cho mình một con đường.
Dấn thân vào “cuộc đời rộng rãi”, ông đã để lại nhiều dấu ấn cho cuộc đời, nhưng rồi cũng không thoát khỏi “bi kịch trần gian”.
Cuộc đời của con người độc hành ấy đột ngột dừng lại với cái chết bí ẩn ở tuổi 72 trong sự sửng sốt và tiếc thương vô hạn của bạn bè, đồng nghiệp và học trò.
(Theo Hạ Anh - Vietnamnet)