Đúng vào dịp giỗ lần thứ Bảy GS Lê Bá Thảo và Kỷ niệm 25 năm Ngày Nhà giáo Việt
Bạn đọc có thể đặt mua sách tại Nhà xuất bản Giáo dục Đà Nẵng, 15 Nguyễn Chí Thanh, TP Đà Nẵng, hoặc đặt mua qua Trung tâm Địa lý ứng dụng và Khoa Địa lý Đại hoc Sư phạm Hà Nội, 136 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội (Điện thoại 04-8346826).
Cuốn sách dày ngót 1000 trang. Giá bìa: 150 nghìn đồng.
Chúng tôi vui mừng giới thiệu cùng các đồng nghiệp và bạn đọc xa gần cuốn sách quý trên trong Di cảo của GS Lê Bá Thảo, nhà địa lý lớn của nước ta.
|
Bạn đọc sẽ tìm lại được những công trình của Giáo sư (trong đó có cả những công trình lần đầu tiên được xuất bản) những tư tưởng khoa học sâu sắc, phong cách viết tài hoa, tầm nhìn của nhà địa lý vừa mang tính thời đại, vừa có tính dự báo, chiêm nghiệm.
GS. TS Nguyễn Viết Thịnh
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tôi là một trong những học trò gần gũi của GS Lê Bá Thảo. Lẽ ra, trong bài viết này tôi phải luôn gọi Giáo sư là Thày, nhưng để tiện cho bạn đọc đông đảo, tôi xin gọi Giáo sư là Ông. Xin bạn đọc hiểu và lượng thứ cho. Bên cạnh những cảm nhận của cá nhân tôi về người thầy lớn, thì những thông tin về Ông là dựa trên những bản lí lịch đảng viên, những bản tự thuật và những thư từ trao đổi mà TS Nguyễn Giang Tiến, người vợ yêu quý của Ông, đồng nghiệp của tôi, cung cấp.
Giáo sư Lê Bá Thảo sinh ngày 18 tháng 4 năm 1923 tại một làng nhỏ thuộc huyện Hương Thủy, ở ngoại thành thành phố Huế, trong một gia đình công chức nhỏ, đông anh chị em (ông có tất cả 11 anh chị em ruột). Cụ bà thân sinh ra ông là Tôn Nữ thuộc dòng quý tộc triều Nguyễn. Trong các tự thuật sau này, ông nhớ lại, vì là con nhà nghèo nên ngay từ nhỏ ông đã cố gắng học giỏi để có học bổng và dạy tư để đỡ đần cha mẹ. Mảnh đất nghèo miền Trung và hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp, nợ nần quanh năm đã giúp ông gần gũi hơn với cuộc sống của nhân dân cần lao, sớm đến với cách mạng một cách rất tự nhiên. Ông có 5 anh em trai, thì bốn người đi theo kháng chiến ngay từ đầu.
Đỗ tú tài toàn phần tại Huế năm 1944, ông trở thành sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội. Tại đây, ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước. Khi cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông đang về nghỉ hè tại quê nhà, và ông đã cùng với các bạn bè trong đoàn Hướng đạo ở Huế tham gia tổ chức tuần hành võ trang cướp chính quyền ở Huế. Đầu tháng 9 năm 1945, ông gia nhập chi đội Giải phóng quân đầu tiên tại Huế, và được cử làm trưởng ban thông tin liên lạc quân sự thành phố Huế, sau đó là trưởng ban thông tin liên lạc quân sự Khu Bốn và mặt trận Lào, chiến đấu tại các mặt trận gian khổ nhất ở Huế, ở Lào.
Giáo sư Lê Bá Thảo là một nhà sư phạm suất sắc. Những bài giảng của ông không chỉ đầy ắp các thông tin, kiến thức địa lí mà còn là mẫu mực về phương pháp giảng dạy nêu vấn đề. Trong giờ giảng của ông, cánh sinh viên chúng tôi luôn phải tập trung tư tưởng cao độ, bởi vì ông hay đưa ra những câu hỏi làm đảo lộn cả tư duy thông thường của chúng tôi, làm cho chúng tôi phải lúng túng, nhưng đồng thời cũng làm cho chúng tôi cảm nhận được cái đẹp của tư duy địa lí, tư duy tổng hợp, gắn với bản đồ, vừa có triết lí sâu xa, vừa gắn với thực tiễn sống động. Chúng tôi đã được nghe ông giảng nhiều giáo trình, trong đó giáo trình về "Các vấn đề cơ bản và hiện đại của địa lí học" với chiều sâu lí luận đã luôn dẫn dắt chúng tôi sau này. Ông cũng thường khuyên chúng tôi khi xây dựng các sơ đồ, lược đồ trong các sách giáo khoa là phải làm sao vạch ra được sơ đồ của tư duy khoa học. Sau này, có dịp lần giở những trang sách giáo khoa được ông góp ý, với những nhận xét ghi bằng bút chì, bút mực bên lề, tôi vẫn cảm nhận đang được ông chỉ bảo tận tình.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, ông hoàn thành giáo trình "Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy địa lí địa phương" (hai tập, Nhà xuất bản Giáo dục, 1967-1968). Bộ sách này đã được phổ biến rộng rãi và là giáo trình đầu tiên theo hướng này. Chúng tôi muốn nói rằng hiện nay đã có một số sách về địa lí địa phương, chủ yếu là địa lí địa phương cấp tỉnh, nhưng các sách này pha trộn tính chất địa phương chí, cung cấp thông tin là chính. Giáo trình của GS Lê Bá Thảo có lẽ là bộ giáo trình sớm nhất nhưng cũng đầy đủ nhất về phương pháp nghiên cứu và giảng dạy địa lí địa phương, hướng dẫn giáo viên cách phát hiện các vấn đề khảo sát địa phương và cả các chỉ dẫn cụ thể (vừa có lí thuyết, vừa súc tích, dễ tra cứu, lại vừa có chỉ dẫn theo kiểu "cầm tay chỉ việc"). Bộ giáo trình "Cơ sở Địa lí tự nhiên" (ba tập, 1983-1984) do giáo sư chủ biên đã được giải thưởng của Nhà xuất bản Giáo dục và đến nay vẫn là cuốn sách gối đầu giường cho sinh viên địa lí của các Trường ĐHSP và cả ở khoa Địa lí của Đại học khoa học tự nhiên.
Trong sự phát triển của Khoa Địa lí, Giáo sư Lê Bá Thảo đã để lại những dấu ấn sâu sắc. Đó là nhờ ở tư duy sắc sảo, trình độ chuyên môn cao, tính quyết đoán trong quản lí và cá tính mạnh mẽ của ông. Những thế hệ cán bộ giảng dạy của Khoa ngày hôm nay biết ơn sâu sắc thế hệ của những người "khai sơn phá thạch" đã đặt nền móng cho sự phát triển khoa học và đội ngũ của Khoa, trong đó có Giáo sư Lê Bá Thảo.
Giáo sư Lê Bá Thảo là một người rất trung thực trong khoa học. Không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận các lời phê phán sắc sảo và thẳng thừng của ông, nhưng chúng tôi hiểu rằng sự cầu toàn của ông về chuyên môn thể hiện rõ nhân cách của ông và cũng là cách ông thể hiện sự trân trọng đối với lao động khoa học.
Giáo sư Lê Bá Thảo là một nhà hoạt động xã hội rất tích cực. Nối tiếp công việc của GS. NGND Nguyễn Đức Chính và GS. NGND Trần Đình Gián, ông đã đóng vai trò là Trưởng ban vận động thành lập Hội Địa lí Việt Nam, và vào năm 1988, Hội Địa lí Việt Nam, một Hội nghề nghiệp trong Liên hiệp hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam đã được thành lập và Giáo sư được bầu là Chủ tịch Hội đầu tiên. Lúc đó, ông đã 65 tuổi. Ông đã giữ trọng trách này liền ba nhiệm kì.
Với tư cách là Chủ tịch Hội Địa lí, Giáo sư Lê Bá Thảo đã có nhiều nỗ lực để củng cố vai trò xã hội của khoa học Địa lí. Bản thân ông đã làm chủ nhiệm các công trình độc lập cấp Nhà nước như "Tổ chức lãnh thổ đồng bằng sông Hồng và các tuyến trọng điểm" (1992-1994), "Cơ sở khoa học của tổ chức lãnh thổ Việt Nam" (1994-1996). Giáo sư được mời làm cố vấn cho một số Viện nghiên cứu trong nước như Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), uỷ viên Hội đồng khoa học của Bộ Thuỷ sản (1998), cố vấn khoa học của Chương trình Tổ chức lãnh thổ địa bàn trọng điểm miền Trung. Những công trình lớn của đất nước có liên quan đến tổ chức lãnh thổ và các vấn đề môi trường đều có tiếng nói đóng góp khoa học của ông. Giới khoa học đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, đấu tranh kiên quyết của Giáo sư cho sự phát triển bền vững của môi trường Việt Nam. Giáo sư cũng đã tích cực phát triển quan hệ của Hội Địa lí Việt Nam với các Hội Địa lí trên thế giới, đặc biệt là với địa lí Pháp và Mĩ. Trong suốt 4 năm (1996-1999), mặc dù tuổi cao và đang phải chạy đua với thời gian, GS Lê Bá Thảo đã cùng với Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Duy Quý làm đồng chủ nhiệm chương trình nghiên cứu về làng xã ở đồng bằng sông Hồng. Đây là chương trình cộng tác giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, được tài trợ bởi Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. GS Lê Bá Thảo đã không kịp được nhìn công trình nghiên cứu mà ông đã chỉ đạo trong suốt bốn năm. Trong lời đề tựa công trình "Làng ở vùng đồng bằng sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ" do Philippe Papin và Olivier Tessier làm chủ biên (Trung tâm KHXH và NVQG xuất bản năm 2002), những người bạn Pháp đã trân trọng viết đề tặng GS Lê Bá Thảo, nhà địa lí lớn, người bạn không thay thế được của tất cả chúng tôi (xin đăng lại nguyên văn tiếng Pháp) "Cet ouvrage est le fruit d'un programme de recherche scientifique mené durant quatre années sous la direction du Professeur Lê Bá Thảo. Il est décidé à la mémoire de ce grand géographe qui était aussi, pour nous tous, un irremplaçable ami".
GS Lê Bá Thảo là người đề xướng, đưa ra những tư tưởng lớn, người tổ chức nghiên cứu, là linh hồn của tập thể nghiên cứu, và trực tiếp chấp bút các báo cáo tổng kết hai đề tài độc lập và trọng điểm cấp Nhà nước "Tổ chức lãnh thổ đồng bằng sông Hồng và các tuyến trọng điểm" (1992-1994) và "Cơ sở khoa học của tổ chức lãnh thổ Việt Nam" (1994-1996). Bởi vậy, chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu với đông đảo bạn đọc hai công trình trên trong Tuyển tập công trình của GS Lê Bá Thảo, với việc biên tập lại đôi chút cho phù hợp với công tác xuất bản. Việc giới thiệu hai công trình này không chỉ cho thấy khả năng của Địa lí học trong việc giải quyết những vấn đề chiến lược của quốc gia, mà còn cho thấy khả năng tập hợp các nhà khoa học đầu ngành trong giải quyết các vấn đề liên ngành, dưới sự lãnh đạo của nhà địa lí lớn.
Đồng bằng sông Hồng có tầm quan trọng về địa chiến lược (cả về quyền lực, dân số và kinh tế), là một đỉnh trong tam giác Hà Nội - Hồng Kông - Hồ
Đề tài độc lập và trọng điểm cấp Nhà nước "Cơ sở khoa học của tổ chức lãnh thổ Việt Nam" (1994-1996) được tiến hành trong một thời gian ngắn, và như GS Lê Bá Thảo viết trong lời nói đầu, tập thể đề tài được thành lập giống như một "đội đặc nhiệm", phục vụ việc đặt các chủ trương đường lối mới, nhất là để chuẩn bị góp ý kiến cho Đại hội Đảng lần thứ VII. Người đọc ngày hôm nay vẫn còn thấy ở các trang bản thảo của Đề tài này những vấn đề đầy tính tranh luận về phân vùng lãnh thổ Việt Nam, về các vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp, các không gian đô thị, tổ chức các tuyến lực cũng như việc hình dung một sơ đồ tổ chức lãnh thổ Việt nam trong những năm đầu của thế kỉ XXI. Người đọc cũng đọc được những phản biện và những lưu ý của GS Lê Bá Thảo và cộng sự về việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia như Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất...
Cuốn chuyên khảo "Việt
Giáo sư Lê Bá Thảo đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý:
- Hai huân chương chống Pháp và chống Mĩ;
- Nhiều huy chương của Quân đội và ngành giáo dục, trong đó có Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục;
- Nhiều bằng khen cấp Bộ;
- Danh hiệu thi đua nhiều năm.
- Năm 1986, Giáo sư Lê Bá Thảo đã được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú và năm 2000 được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
GS Lê Bá Thảo chính thức buông tay bút vào ngày 28 tháng 10 năm 2000. Ngày 2 tháng 11 năm 2000, trong phút tiễn biệt Thầy tại Nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội), tôi nghẹn ngào nói với mọi người có mặt, nói với Trời Đất rằng: Những gì Thầy để lại, đó là tấm gương suốt một đời lao động cật lực, vừa tự học, vừa cống hiến và sáng tạo không ngừng. Đó là trách nhiệm công dân của một nhà trí thức lớn trước những lo toan của đất nước. Đó là lòng trung thực, khảng khái của nhà khoa học. Đó là những công trình mà Thầy để lại cho đời sau. Đó là niềm tin mà Thầy đã đặt vào các thế hệ học trò của Thầy và các đồng nghiệp của Thầy.
Giáo sư Lê Bá Thảo, một người thầy, người anh, một đồng nghiệp, một nhà khoa học, một người bạn mà hình ảnh mãi mãi đi cùng năm tháng, cùng với sự trưởng thành của khoa học Địa lí và nền giáo dục nước nhà.
(Thu 2000 - Thu 2005)
Theo: dialy.dhsphn.edu.vn