Năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt đề án phối hợp đào tạo thạc sĩ Toán với các trường đại học nước ngoài của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Viện Toán học. Khoá I của 2 cơ sở đào tạo này đã tuyển được 20 học viên (10 HV thuộc Trường ĐHSPHN và 10 HV thuộc Viện Toán học). Chương trình đào tạo gồm 2 phần: chương trình đào tạo Master 1 (M1) thực hiện tại Việt Nam trong thời gian 1 năm và chương trình đào tạo Master 2 (M2) tại nước ngoài trong 1 năm. Văn bằng thạc sĩ do các trường đại học đối tác nước ngoài cấp. Đối tác nước ngoài gồm một số trường đại học tại Pháp như Đại học Paris 6, Đại học Paris 11, Đại học Paris 13, Đại học Limoges, Đại học Strasbourg, Đại học Toulouse, Đại học Brest, Đại học Rennes. Các đại học tại Đức như Đại học Bonn, Đại học kỹ thuật Berlin, Đại học Essen, Đại học Kaiserlautern. Trên cơ sở kết quả đã đạt được của khoá I, khoá II đã được xét tuyển với 25 học viên (11 thuộc quản lý của Trường ĐHSPHN và 14 thuộc quản lý của Viện Toán học). Học viên là những giảng viên Toán tại các trường đại học như Viện Toán Học, Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Đà Nẳng, Đại học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên. Đại học Huế, Đại học Mỏ Địa chất, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, v.v. và một số sinh viên xuất sắc mới tốt nghiệp ngành Toán, cam kết sẽ làm giảng viên của các trường đại học cao đẳng au khi được đào tạo. Học viên được đào tạo sẽ trở về công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo để phát triển Toán học tại Việt Nam. vosp.org Một số hình ảnh lễ khai giảng lớp hợp tác đào tạo thạc sỹ toán học trình độ quốc tế:
Sau thời gian học M1, trong số 10 học viên của Viện Toán, 2 học viên được Đại học kỹ thuật Georgia (Mỹ) và Đại học Roma (Italia) cấp học bổng toàn phần để đào tạo tiến sĩ, 1 học viên được cấp học bổng của Đại học Paris 6 và 1 học viên được nhận học bổng của Quỹ giáo dục Việt Nam VEF để làm tiến sĩ ở Mỹ. Trong số 10 học viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 1 học viên được Đại học kỹ thuật Zurich (Thụy Sĩ) cấp học bổng toàn phần để đào tạo tiến sĩ, 1 học viên được nhận học bổng của Quỹ giáo dục Việt Nam VEF. Các học viên còn lại đều được các Đại học ở Pháp và Đức nhận đào tạo M2 miễn học phí.
Tham dự buổi lễ khai giảng tại Trường ĐHSPHN, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung đã đánh giá cao sự đặc biệt của chương trình phối hợp đào tạo này. Trước hết đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa trường đại học và viện nghiên cứu, với sự tham gia giảng dạy của các giáo sư, nhà Toán học thuộc 2 cơ sở đào tạo và nghiên cứu, sự tham gia của các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài như GS Ngô Bảo Châu, giải thưởng Clay 2006, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton, Mỹ. GS Ngô Bảo Châu được Việt Nam công nhận đặc cách là GS Việt Nam năm 2007, mỗi năm về công tác tại Viện Toán học 3 tháng. Chương trình còn được sự tham gia giảng dạy nhiệt tình của một số giáo sư nước ngoài nổi tiếng như GS P. Cartier, GS. Schwarzt, GS Ullmo Đây là chương trình đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chương trình đào tạo không chỉ phát huy thế mạnh trong lĩnh vực Toán học sơ cấp mà còn hướng tới phát triển Toán hiện đại. Bộ GDĐT sẽ hỗ trợ hơn nữa các chương trình phối hợp đào tạo về Toán học để thu hút nhiều học viên trong toàn quốc và tạo cơ sở để đào tạo tiến sĩ Toán học.
Trong lễ khai giảng, Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN, GS-TS Nguyễn Viết Thịnh và Viện trưởng Viện Toán học, GS-TSKH Ngô Việt Trung đã đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ của Bộ GDĐT, Cục Đào tạo với nước ngoài. Với sự hỗ trợ về tinh thần và đặc biệt về tài chính (giai đoạn M1, cấp kinh phí cho cơ sở đào tạo Việt Nam, trong đó mỗi HV được cấp học bổng 900.000 VNĐ/tháng và giai đoạn M2, cấp sinh hoạt phí cho HV học ở nước ngoài cùng vé máy bay đi-về), học viên các khu vực khó khăn mới có điều kiện tham gia học tập. Các Thủ trưởng cơ sở đào tạo cũng thẳng thắn phê phán một số thủ tục rườm rà trong quản lý của Bộ. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo quyết tâm phát triển phương thức phối hợp đào tạo để xây dựng lực lượng các nhà Toán học cho đất nước nói chung và cho các trường đại học, cao đẳng nói riêng.