Tôi nhớ trong một chuyến công tác ở Tây Nguyên, tôi gặp một học trò cũ. Em ấy là giáo viên cắm bản nhiều năm. Khi tôi hỏi sao em không xin về vùng thuận lợi hơn, em nói: “Nếu một ngày không thấy em đến lớp thì dân bản sẽ đến tận nơi để thăm, nên em không đành lòng xa bà con”. Nhà giáo ở những vùng như thế không chỉ là người dạy học mà như một người đi khai sáng, dẫn dắt, là nơi nương tựa niềm tin. ---- GS NGUYỄN VĂN MINH ---- |
Hãy đi sẽ đến
Chúng ta có mặt hôm nay ở đây bởi chính chúng ta có tình yêu thương, có niềm tin, có khát vọng và có cùng chí hướng vì những điều cao cả, và hãy biết bắt đầu.
Chúng ta không thể đứng nhìn thời cuộc và đứng ngoài thời cuộc. Các em là một thành tố trong cấu trúc xã hội, là những người quyết định vận mệnh của đất nước. Thầy hằng mong sự khởi đầu hôm nay của các em không phải bắt đầu từ sự xa hoa, từ những gì hào nhoáng, mà hãy bắt đầu bằng những gì chân thực, từ những trăn trở với người, với đời và với thời cuộc; khởi đầu bằng tình yêu thương và lòng bao dung cao cả.
Hãy bắt đầu ở đâu đó các em bé vẫn phải ăn mèn mén thay cơm, vẫn phải co ro trong những ngày giá rét, vẫn có những phận đời mưu sinh trong lạnh giá mùa đông; hãy bắt đầu từ những đồng làng khô hạn, mẹ cha dưới nắng chang chang; và bắt đầu từ những dòng sông thành dòng sông chết, các em có dám dấn thân đi thay đổi cho đời?
Hãy bắt đầu từ những khu công nghiệp, những công nhân đang tất tả giao ca và trở về trong căn phòng chật chội, oi nồng.
Hãy bắt đầu từ những vườn cây sum suê trái ngọt và mỗi mùa về xe nối đuôi nhau nằm chờ nơi cửa khẩu, có lúc phải buông bỏ cả tấn hàng.
Hãy bắt đầu từ nỗi lo về dịch bệnh, người chăn nuôi có phải trắng tay?
Hãy bắt đầu từ những điều thương tâm hằng ngày xảy ra trong cuộc sống, nào mẹ cha và con cái lìa xa.
Hãy bắt đầu từ những nỗi lo vô hình đâu đó, sự tử tế có khi đang phải nép mình.
Và hãy bắt đầu hành động để trả lời, vì sao đất nước vẫn nghèo, vì sao những giá trị cao sang đang bị bào mòn đâu đó?
Hãy phá vỡ cái giới hạn vốn thường ngày ta có, ngày mai ra tung cánh giữa trời. Ngày mai, sẽ không còn bình yên và thơ mộng như giữa giảng đường, không còn chầm chậm bước chân trên con đường nhuốm sắc vàng của mùa lộc vừng thay lá và không còn mơ mộng vu vơ.
Bước ra đời là bước vào cuộc sống. Ở đó, có sự diệu kỳ; có điều ngang trái, có điều lạ lẫm và có cả chán chường... nhưng đó là cuộc sống. Hãy yêu lấy cuộc sống và làm cho cuộc sống tốt hơn.
Thầy tin các em và thế hệ thanh niên ngày nay, tất cả không chỉ sống cho riêng mình mà sẵn sàng dấn thân vì nghĩa lớn, vì chắc chắn các em nhận thức rằng giáo dục là đòn bẩy, là động lực cho phát triển để mang lại hạnh phúc cho muôn nhà. Ngoài cái ăn, cái mặc, con người còn có những đam mê và khát vọng, khát vọng của tuổi trẻ là cống hiến. Trách nhiệm của thế hệ đi trước là thổi bùng ngọn lửa trong trái tim của thế hệ sau, truyền đam mê cho họ để họ dốc sức dời non lấp bể vì một đất nước tự cường.
Các em phải hành động để gắn kết và thay đổi. Các em phải dám nghĩ những điều lớn lao của đất nước, phải trăn trở với những lo toan của thời cuộc và định vị cho mình trọng trách để dấn thân.
Sẽ là thầy cô giáo, sẽ là những trí thức, các em là những người tạo ra sự tiến bộ bằng hành động thông minh và tràn đầy nhân bản, những luồng gió mới bắt đầu, hãy đi vào tâm bão! Đi để khôn lớn và đi để thay đổi cuộc đời.
Hãy đi và sẽ đến. Thầy tin các em.
(trích diễn văn của hiệu trưởng - GS Nguyễn Văn Minh
bế giảng khóa K65 ĐH Sư phạm Hà Nội, tháng 6-2019)
Năm nào cũng vậy, những khóa sinh viên sắp ra trường đều được đón nhận lời chia sẻ của người đứng đầu trường, mỗi năm là một câu chuyện, một sự trải lòng khác nhau. GS Nguyễn Văn Minh đối thoại với Tuổi Trẻ việc mở lối truyền cảm hứng đến sinh viên của ông.
Những giá trị căn bản
* Hiếm có một bài chia tay với sinh viên tốt nghiệp nào truyền cảm xúc mạnh mẽ như vậy, ông đã nghĩ đến điều gì nhiều nhất khi viết lời nhắn gửi ấy?
- Bằng ấy thời gian trải nghiệm cuộc đời dạy học và những ấn tượng của thầy cô giáo để lại trong tôi, tôi nhận ra rằng với giáo dục và làm thầy trước hết cần cái tâm, cần bao dung và tha thứ. Những sinh viên hôm nay, rồi sẽ ra trường, bắt đầu một công việc với nhiều áp lực, khó khăn, nhưng cũng đáng tự hào.
Điều tôi muốn nói với sinh viên việc đầu tiên của người thầy là không phải làm cho học sinh trở thành những học sinh giỏi ở các môn học ngay mà giúp các em trở thành một người bình thường, một người tử tế; trước khi trở thành tài năng, hãy làm một người bình thường trước đã.
Tức là, giáo dục học sinh biết yêu thương ông bà, cha mẹ, anh em, hàng xóm..., có lòng trắc ẩn với những người không may mắn, và lớn dần biết trăn trở trước những khó khăn của đất nước.
Những giá trị căn bản đó giúp các em học sinh hình thành động lực nội tại để bứt lên trong học tập, rèn luyện. Động lực nội tại sẽ trỗi dậy ở vào một lúc nào đó, chính là do sự gợi mở, đồng hành của người thầy.
* Năm nào ông cũng nói điều này với sinh viên sao?
- Năm nào tôi cũng dành thời gian để chia sẻ với sinh viên trước khi các em ra trường. Nhưng mỗi năm tôi nói về một chủ đề khác nhau. Ví như có năm tôi nói về việc chuẩn bị để sẵn sàng đối đầu với cuộc sống, hay nói về vai trò của giáo dục trong nền kinh tế tri thức.
* Nhưng năm nay ông đã nói rất nhiều về những phẩm chất một người thầy cần có.
- Tôi nói những điều ấy vì thời điểm này đã có những chuyện đau lòng diễn ra đâu đó làm cho những người làm giáo dục xót xa. Tôi muốn một thế hệ mới sẽ là một làn gió mới, nguồn sáng mới xua tan những góc tối cuộc đời.
Hãy là người truyền cảm hứng
* Trong bài viết, ông nói nhiều đến sự dấn thân, khát vọng.
- À, về điều này tôi cũng đã có những lần nói chuyện với các bạn đoàn viên ở trường rằng thế hệ trẻ hiện nay có nhiều hoạt động tốt, có điều kiện phát triển tốt nhưng tập trung chủ yếu vào việc học, rồi khởi nghiệp. Trong đó có khi chưa thật chú ý khơi gợi và thôi thúc khát vọng của tuổi trẻ, đó là sự chấp nhận mạo hiểm, sự dấn thân, từ đó hình thành khát vọng.
Với những giáo viên trẻ, sự dấn thân, chấp nhận thách thức để theo đuổi khát vọng là điều nên khích lệ. Có như thế họ mới là người truyền cảm hứng cho học sinh, mới nuôi dưỡng ở học sinh thái độ dấn thân, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, khát vọng được đóng góp những điều hữu ích cho cuộc đời.
Khát vọng chính đáng và lớn lao của tuổi trẻ là khát vọng về đất nước, về dân tộc. Hun đúc những khát vọng đó từ những điều gần gụi và lớn dần trong tâm hồn của mỗi con người. Khát vọng phải cắm rễ vào trong lòng đất mẹ để bay lên, chứ không từ trên trời rơi xuống.
Nhiều lần tôi nói chuyện với thanh niên, rằng mình có bờ biển dài theo đất nước, nhìn ra bình minh biển cả, sao không nghĩ về những con tàu sừng sững rẽ sóng ra khơi mang về đầy tôm cá, sao vẫn cứ những con thuyền nhỏ nhoi chênh vênh sóng nước?
Những trăn trở của người thầy có thể khơi dậy khát vọng cho học sinh. Nên tôi muốn các sinh viên của tôi khi ra nghề đừng an phận thủ thường, đừng lãng phí thời gian trong sự lười biếng, ích kỷ.
Tôi muốn các bạn trẻ hãy ngụp lặn trong thực tế cuộc sống để trải nghiệm, trưởng thành. Khi đó các em mới đủ sức trở thành những nhà giáo dục.
* Nhiều người cho rằng khi nhớ đến thầy cô ở trường phổ thông thì chỉ nhớ đến tình cảm, ứng xử của thầy cô với mình chứ không phải kiến thức cụ thể được dạy. Sự ảnh hưởng tích cực của người thầy với học sinh phổ thông là ở nhân cách, hành xử của các thầy. Điều ông nói với sinh viên có phải cũng gần với cách nghĩ này không?
- Ở bậc phổ thông, người thầy chủ yếu là một nhà giáo dục chứ không đơn thuần là người dạy một môn học cụ thể. Có lẽ trong đời đi học của mỗi người, có những thầy cô để lại ấn tượng suốt cuộc đời của mình đó là tình cảm, đó là cách quan tâm, ứng xử, đó là những gợi mở khiến ta thích thú môn học... Nhân cách của người thầy thấm dần vào chúng ta qua mỗi giờ học.
Giáo dục để định hình giá trị cho mỗi học sinh. Đây là căn cốt để mai sau các em trưởng thành; các em có trong hoàn cảnh nào cũng có căn cốt để vững chãi giữa cuộc đời. Vì vậy, người thầy phải giúp học sinh định hình được nền tảng giá trị.
Khi có nền tảng giá trị đó, học sinh sẽ có động lực thôi thúc để dấn thân và sáng tạo. Sau này khi các em ra đời có chao đảo trong cuộc sống thì chính nền tảng giá trị đó sẽ là cái níu lại, giữ cho các em không sa vào những sai lầm.
* Theo ông, những phẩm chất nào, giá trị nào là cốt yếu với những người theo đuổi nghề sư phạm?
- Tôi cho rằng điều căn cốt cần có đối với các thầy cô giáo là tình yêu thương, sự bao dung và lòng tha thứ. Nếu chỉ hoàn thành trách nhiệm với công việc một cách cứng nhắc thì hiệu quả mang lại sẽ không thật tốt, nhưng trách nhiệm được làm từ cái tâm, sự yêu thương, trăn trở, âu lo vì học sinh thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Từ những suy nghĩ đó, trong bài chia sẻ với sinh viên, điều tôi muốn nhắc đến đầu tiên cũng là sự yêu thương, thấu hiểu, sẵn sàng chia sẻ, tha thứ. Tôi luôn nói với sinh viên: "Nếu không thể làm điều gì tốt hơn cho ai thì cũng đừng bao giờ làm cho nó xấu hơn". Tôi coi đó như một nguyên tắc trong ứng xử.
Tôi muốn nói rộng ra với đồng nghiệp của tôi. Nếu không có tình yêu thương và bao dung, chia sẻ thì làm sao có hàng vạn thầy cô đang bám trụ ở những vùng khó khăn, những điểm trường dọc đường biên giới, những hải đảo xa xăm.
Tôi nhớ trong một chuyến công tác ở Tây Nguyên, tôi gặp một học trò cũ. Em ấy là giáo viên cắm bản nhiều năm. Khi tôi hỏi sao em không xin về vùng thuận lợi hơn, em nói: "Nếu một ngày không thấy em đến lớp thì dân bản sẽ đến tận nơi để thăm, nên em không đành lòng xa bà con".
Nhà giáo ở những vùng như thế không chỉ là người dạy học mà như một người đi khai sáng, dẫn dắt, là nơi nương tựa niềm tin. Để trở thành như thế, cần rất nhiều sự yêu thương, bao dung.
Giáo dục để định hình giá trị cho mỗi học sinh. Đây là căn cốt để mai sau các em trưởng thành; các em có trong hoàn cảnh nào cũng có căn cốt để vững chãi giữa cuộc đời. Vì vậy, người thầy phải giúp học sinh định hình được nền tảng giá trị. ---- GS NGUYỄN VĂN MINH ---- |
Nếu đặt ra lợi ích gì thì sẽ không bao giờ vượt qua
* Ông đã nói nền giáo dục sẽ đi về đâu nếu không có những người thầy tận tâm, giỏi giang. Nỗi lo này có tác động từ những câu chuyện buồn trong thực tế?
- Cảm giác xót xa, lo lắng thì có nhưng như tôi đã nói với sinh viên, tôi không bi quan, tôi tin vào nhiều thầy cô giáo, tin vào thế hệ trẻ. Nhưng khi nói chuyện với lớp sinh viên hôm nay, tôi chỉ muốn nhắc nhớ đến những điều các em cần có vì các em sẽ là những người tiếp tục hành trình của người đi trước trong một nghề nhiều khó khăn, áp lực.
Nếu chúng ta chỉ đặt ra được lợi gì thì sẽ không bao giờ vượt qua. Nhưng khi các em có những giá trị mà các em trân trọng thì các em sẽ đam mê, sẽ gắn bó với nghề này.
* Nhưng trên thực tế, ai cũng cần có cuộc sống ổn định thì mới nghĩ được đến việc cống hiến?
- Chúng ta không thể lãng mạn một cách quá đỗi. Nhà giáo hay bất cứ ai cũng cần có cuộc sống ổn định. Rõ ràng làm nghề giáo chẳng ai giàu có về tiền bạc, của cải, nhưng có những tài sản vô giá khác.
Có người cũng nói đến đồng lương giáo viên ít ỏi sẽ khiến giáo viên không tha thiết với nghề. Nhà nước cũng đang chú ý việc điều chỉnh chính sách để chăm lo hơn cho đời sống nhà giáo.
Nhưng tôi không cho rằng cứ chỉ nhiều tiền thì nhà giáo sẽ tận tâm. Nghề giáo là một nghề đặc thù đòi hỏi cái tâm rất lớn, rồi đến môi trường làm việc, sự tôn trọng, sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội, đam mê cá nhân nữa...
* Với những trăn trở như vậy, ở vị trí điều hành một cơ sở đào tạo sư phạm, ông có điều chỉnh gì?
- Chúng tôi đang xây dựng lại mô hình đào tạo ở tất cả các ngành. Mục tiêu của việc điều chỉnh này là đào tạo người thầy phải là những người khai sáng tâm hồn. Thay vì đặt ra những yêu cầu trong chuẩn đầu ra như trước đây, chúng tôi xây dựng hệ giá trị, bao gồm giá trị của cá nhân nhà giáo và giá trị của nghề dạy học. Sự kế thừa này, chúng tôi kỳ vọng những chuyển biến tốt hơn.
Tôi luôn nói với các thầy cô là giảng viên của trường là mỗi giờ lên lớp của các thầy cô đều liên quan đến đạo đức nhà giáo. Ở đó thể hiện trong ứng xử, thái độ, cách thức mà mỗi người truyền cảm hứng, làm lan tỏa những suy nghĩ, hành động tích cực cho người học. Nếu trong các nhà trường, sinh viên được thấm, được truyền cảm hứng đó thì họ cũng sẽ là những người như thế khi bước ra cuộc đời.
* Tạ Thị Thu Huyền (sinh viên K65 khoa triết, ĐH Sư phạm Hà Nội):
Truyền cảm hứng
Không chỉ bài chia sẻ của thầy trong buổi lễ tốt nghiệp mà tất cả các bài phát biểu của thầy Nguyễn Văn Minh đều mang lại cảm xúc cho chúng tôi. Chúng tôi từng nghe thầy chia sẻ trong buổi lễ chào mừng ngày 20-11, trong lễ khai giảng, trong các sự kiện của sinh viên và trong buổi lễ chia tay mới đây.
Chúng tôi like và chia sẻ nhiều bài viết của thầy, không phải vì thầy là thầy hiệu trưởng của ngôi trường mình học mà vì đó là những lời chân thành, đầy cảm xúc, là cách thầy truyền cảm hứng cho sinh viên, là những bài học thầy gửi đến chúng tôi.
Trong bài chia sẻ gửi sinh viên khi chúng tôi chia tay mái trường sư phạm, tôi nhớ lời căn dặn của thầy là đừng chỉ sống cho mình, thụ động, mong sự nhàn hạ mà phải dấn thân, phải biết chia sẻ và trăn trở với những gì đang diễn ra xung quanh.
Từ những gì thầy nói, tôi hiểu sẽ có những khó khăn, áp lực khi lựa chọn nghề giáo. Nhưng nếu coi sự yêu thương, bao dung, chia sẻ là giá trị cốt lõi thì tôi nghĩ chúng tôi sẽ vượt qua được.
Nhìn vào những người thầy của mình, tôi mong muốn rồi đây mình cũng trở thành một người thầy để học trò tin tưởng như vậy.
* Cô Ngô Thị Thành (phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Gieo niềm tin
Tôi đã chia tay trường sư phạm 20 năm, trải qua thời gian dạy học, rồi làm quản lý, trải qua nhiều buồn vui của nghề, nhưng khi bất ngờ đọc được bài chia sẻ của thầy, tôi vẫn xúc động và cảm thấy vừa được nhận một nguồn động viên để tiếp tục với công việc đang rất nhiều áp lực.
Cũng như nhiều nhà giáo, khi nghe đâu đó có những chuyện tiêu cực, tôi rất buồn. Và điều thầy hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nói "lo lắng nhưng không bi quan" khiến tôi thấy vui hơn. Thầy gieo niềm tin cho thế hệ trẻ, cho cả chúng tôi - những người đã và đang phải chịu nhiều áp lực.
Tôi có cùng suy nghĩ với điều thầy nhắc nhở thế hệ giáo viên tương lai là gây dựng niềm tin phải bắt đầu từ sự chân thành, tôn trọng và trung thực, phải biết yêu thương, bao dung. Người thầy phải thay đổi chính mình để thay đổi học trò. Hạnh phúc của người thầy không phải chỉ là dạy học trò những điều mình biết mà còn là nhìn thấy thế hệ sau vượt qua thế hệ trước.