"...Trên đầu, trước mặt và sau lưng tôi đạn cài chi chít lên bầu trời như những đường chỉ khâu khác mầu trên một miếng vá. Tên lửa lao vun vút vạch những đường lửa sáng rực. Nhà A7 rung lên theo những loạt bom nổ. Mặt đất cũng sáng rực đến nỗi tôi nhìn rõ từng gốc rạ dưới chân nhà..."
Cách đây đúng 40 năm, quân đội và nhân dân Hà Nội đã làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Góp phần trong chiến thắng chung của Thủ đô, các thế hệ thầy và trò Trường ĐHSP Hà Nội luôn tự hào vì đã có một thế hệ các thầy cô giáo và sinh viên trực tiếp tham gia chiến đấu góp phần vào chiến thắng vẻ vang đó. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng bắn rơi B-52 trên bầu trời Hà Nội, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của PGS. TS Nguyễn Thị Bích Hà (nguyên Trưởng khoa Việt Nam học), người đã trực tiếp cùng các thầy cô giáo và số ít các bạn sinh viên tham gia trực chiến trong chiến dịch này tại Đài quan sát ĐHSP Hà Nội - nơi được biết đến với tên gọi “Con mắt phía Tây Thành phố”.
Hồi ấy chúng tôi vừa kết thúc năm học thứ hai ở nơi sơ tán thì được lệnh chia lớp, một nửa ở lại, còn một nửa về bảo vệ Trường và tham gia chiến đấu. Thế là chúng tôi hăm hở khoác ba lô về Trường, mặc dù chưa hình dung được mình sẽ làm gì ở đó. Trường của chúng tôi mới đông vui là thế, buổi tối các ô cửa đều sáng ánh đèn và đầy ắp những nụ cười con gái trẻ trung. Thế mà một học kì đi xa, khi trở về tất cả đều vắng lặng. Sân vận động như rộng ra mênh mông, còn những ngôi nhà 4 tầng thì im lặng, trang nghiêm và lạnh lùng rủ bóng xuống những vạt cỏ xanh hoang dã.
Buổi họp lớp đầu tiên, thầy Hoàng Thung, lúc đó là Tiểu đoàn trưởng tự vệ, đến phổ biến nhiệm vụ:
- Huyện chọn điểm Đại học Sư phạm để đặt một tổ chiến đấu 12 ly 7 và một tổ đài quan sát… Các đồng chí: Thanh, Hà, Hương sớm chuẩn bị lập tổ đài. Đài sẽ được đặt trên nóc nhà A7, điểm cao nhất của Trường.
Chúng tôi cần phải quan sát và báo cáo về huyện số lần máy bay địch, hướng vào những điểm bị đánh phá… Nhưng hướng quan sát chủ yếu là phía Tây - Tây Bắc - Tây Nam (huyện còn có đài quan sát Mễ Trì và Quảng An). Lần đầu tiên nhận từ các đồng chí huyện đội cờ hiệu, cọc tiêu, ống nhòm, bản đồ, điện đài… tôi và ba đồng chí khác của đài còn chưa hiểu được rằng mình đã thực sự tham gia vào cuộc chiến đấu như một chiến sĩ.
Tổ đài quan sát đặt trên nóc nhà A7 Trường ĐHSP Hà Nội.
Lớp chia hai ca học, đài cũng chia hai ca trực. Có những ngày báo động kéo dài, “Ních-xơn” hong nắng chúng tôi mấy giờ liền trên đài quan sát. Vừa hết giờ báo động là đến ngay giờ lên lớp. Thầy Hoàng Thung rời ụ súng, tôi cũng rời khỏi đài và vào ngay lớp học. Chúng tôi ít có thời gian tự học, nhưng hình như vì thế mà lại học được nhiều và nhanh hơn. Chúng tôi học những bài thơ nóng bỏng tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, và cũng học rất kĩ vị trí của các xã trong huyện, các trọng điểm của Hà Nội và các kiểu loại máy bay. Cứ bắt đầu “ùng oàng” là ở đầu dây đằng kia hỏi ngay:
- Nó đánh đâu?
Mấy lần đầu còn loạc choạc nhưng rồi về sau chúng tôi được khen liên tục:
- Báo cáo khá lắm, chính xác, kịp thời. Huyện biểu dương các đồng chí.
Có lần vừa hết báo động, chú Chỉnh, huyện đội phó phóng xe xuống tận nơi bắt tay từng đứa chúng tôi, nói:
- Các đồng chí báo cáo tốt lắm, chính xác lắm. Huyện đánh giá cao đài quan sát Đại học Sư phạm.
Trực chiến cũng có giờ rỗi rãi, “cánh” trực đài ở Huyện thỉnh thoảng lại tán chuyện với chúng tôi qua điện thoại. Không biết mặt nhau, nên trò chuyện chẳng e ngại gì cả.
- Này, đằng ấy đang làm gì đấy?
- Trực đài! Còn anh?
- Cũng đang trực đài.
- Đằng ấy tên gì?
- Bí mật.
- Còn mình là Thân, cao 1m65, đen giòn, 30 tuổi, chưa vợ.
- Có muốn vào Sư phạm, chúng em đưa đường cho.
- Một người vừa đẹp vừa tươi như mình nhé.
- Tán róc, biết mặt mũi người ta thế nào mà “tươi” với “đẹp”!
...
Từ trái qua: Các thầy Hoàng Thung, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Đức Tín bên ụ súng, vào vị trí sẵn sàng chiến đấu tại Trường ĐHSP Hà Nội.
Mỗi ngày ngồi mấy giờ trên đài, nắng và gió rất hào phóng. Tôi thả sức nghĩ lan man và mơ mộng. Nếu không mắc trực chiến, thời gian này tôi đã đi thực tập rồi. Làm lính quan sát đã quen việc mà nhiều khi tôi vẫn có cảm giác mình đang đứng không đúng chỗ. Ở nhà tôi hay được chiều và cũng hay nhõng nhẽo. Tôi không muốn báo cáo mệnh lệnh, điện đài… dường như cái đó làm cho tôi trở nên cứng cỏi đến khô khan. Cho đến một hôm, ven đường xuất hiện những ụ tên lửa đắp vội vàng, những ụ pháo xanh lá nguỵ trang và trên những thửa ruộng còn nham nhở gốc rạ, những người lính còn reo hò hết sức hồn nhiên vừa chạy theo một quả bóng. Giữa không khí chiến tranh, họ vẫn tạo ra cuộc sống bình thường, bình tĩnh đến lạ kỳ. Và tôi hiểu rằng những băn khoăn tiểu tư sản của tôi chẳng có gì đáng nói.
Hội nghị Pari kết thúc không kết quả. Ngày 2/12, Huyện đội triệu tập họp phổ biến tình hình. Các anh nhấn mạnh: chiến tranh sẽ ác liệt hơn, có thể địch sẽ sử dụng cả B52 đánh phá Hà Nội. Giờ giải lao, anh Anh, Huyện đội trưởng, thân mật hỏi tôi:
- Bốn nữ tướng đài quan sát Sư phạm làm ăn khá lắm. Các em có băn khoăn gì, hoặc có đề nghị gì thì cứ nói nhé.
- Không, chúng em chẳng có phàn nàn gì, tụi em vững cả.
Khi tôi nói “tụi em vững cả” tôi nhớ ngay những gương mặt tổ đài. Bốn đứa con gái. Hưởng và tôi - Hà Nội, Thanh - Thái Bình, Sớm - Hà Sơn Bình. Mỗi đứa một tính, tôi ào ạt, Hương dịu dàng, Thanh hay nói ngang ngang, còn Sớm có cái chất phác của một cô gái nông thôn. Những ngày qua, cái tập thể nhỏ bé của chúng tôi đã gắn bó với nhau trong những cuộc thử lửa. Bây giờ chúng tôi lại sắp cùng nhau đương đầu với những thử thách ác liệt hơn. Chắc các bạn tôi sẽ đứng vững. Tôi tin và yêu mến chúng nó. Sau cuộc họp, chúng tôi gấp rút chuẩn bị đương đầu với trận chiến đấu mới. Ụ quan sát được được xếp thêm gạch trát bùn dày và cao hơn. Mấy đứa lớp tôi vừa làm vừa nói đùa:
- Làm nhà cho tổ đài đi “ở riêng” đấy nhé. Hết chiến tranh khéo mà không kéo được chúng nó ra khỏi đây đâu.
Ngày 18/12 trôi qua bình thường. Buổi trưa báo động 2 lần, ì ùng một chút ở phía xa rồi lại im ắng. Đêm. Gió mùa đông bắc lạnh buốt. Mưa bụi mù trời. Tôi nghĩ chắc rét mướt thế này chẳng có gì xảy ra. Tôi và Thanh co ro quấn áo mưa gà gật trên đài. Báo Động. Tiếng máy bay rộ rung cả bầu trời. Trước mặt tôi súng nổ dữ dội. Những viên đạn vạch đường đỏ lừ đan vào không trung như dệt lưới. Một lát sau phía bờ sông Hồng rực sáng. Những cuộn lửa xanh lạ lùng bùng lên, cuộn với nhau chạy dài hàng cây số. Tôi báo cáo về huyện.
- Báo cáo, nó đánh dọc bờ sông Hồng. Điểm nổ kéo dài, lửa rất xanh không rõ vũ khí gì?
- Bờ bên này hay bên kia?
Đêm tối, ánh lửa kéo không gian xích gần lại trông đám cháy như ngay trước mặt tôi, cần phải xác định lại điểm đánh phá. Sau cột điện Chèm, vậy thì chắc chắn là bờ bên kia. Tôi gọi vào máy:
- Báo cáo bờ bên kia, có lẽ Yên Nội.
- Yên Nội hả? Điểm nổ kéo dài hả? B52 chăng? Ngay lúc đó, tôi chưa tin địch đánh bằng B52. Chẳng lẽ chúng lại càn rỡ đến mức dùng cả B52 đánh Hà Nội? Trên đầu, trước mặt và sau lưng tôi đạn cài chi chít lên bầu trời như những đường chỉ khâu khác mầu trên một miếng vá. Tên lửa lao vun vút vạch những đường lửa sáng rực. Nhà A7 rung lên theo những loạt bom nổ. Mặt đất cũng sáng rực đến nỗi tôi nhìn rõ từng gốc rạ dưới chân nhà. Chúng tôi quên cả rét, quên cả mưa, cũng không cảm thấy cô đơn trong khoảng trời đất rộng mênh mông. Tiếng súng nổ dồn dập phối hợp chiến đấu chính là điểm tựa cho chúng tôi. Tôi hiểu mình cũng đang tham chiến như một người lính thực sự, mình đang phối hợp rất đẹp với những người nổ súng. Chúng tôi đã báo cáo kịp thời tất cả các chi tiết của trận chiến đấu ở phía Tây và Tây Bắc Thành phố. Sau trận chiến đấu đêm 18/12, dù rất mệt, tôi cũng không thể ngủ được. Tôi được ngồi nghe những tiếng chim nháo nhác và mệt mỏi dội vào cửa phòng, hình dung có một cái gì đó đang biến đổi thì thầy Thung vào thăm. Thầy báo tin:
- Trường được lệnh cấp tán. Trong ngày hôm nay lớp sẽ tản vào Đồng xa. Tối có lẽ sẽ có một tổ về gác trường. Như vậy trụ lại ở trường chỉ còn tổ đài. Các em đã có kinh nghiệm quan sát, không ai có thể thay các em lúc này. Các em cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tôi thay mặt tổ đài nói:
- Thầy và các bạn cứ yên lòng. Chúng em chưa có ai nghĩ đến việc rời vị trí của mình.
Thầy bắt tay tôi thật chặt và đi ra. Tôi chia tay với các bạn thắm thiết và trang nghiêm như đó là lần cuối cùng gặp nhau.
Nhà A7 trở nên lặng ngắt. Thế là chỉ còn có 4 đứa chúng tôi. Chúng tôi chỉ còn có việc chuẩn bị sẵn sàng để đón cuộc thử lửa. Tôi nghĩ đến cái chết ở đâu đây rất gần. Nhưng lòng tôi thanh thản đến lạ lùng, cả đến ý nghĩ đó cũng không làm tôi bị xáo động. Tôi nhủ thầm “việc gì phải đến sẽ đến”.
3 giờ chiều lại báo động. Địch đánh đài phát thanh dữ dội. Cột đài cao mà tôi vẫn dùng để làm mốc quan sát đã biến mất. Chúng tôi buồn dầu, cảm thấy không gian im ắng hơn. Nhưng đêm đến, khi còi báo động vừa dứt, tôi xúc động đến trào nước mắt khi nghe tiếng chị phát thanh viên nói qua làn sóng điện “Đồng bào chú ý đồng bào chú ý”. Tiếng nói thân yêu như nối liền những khoảng không gian khiến chúng tôi thấy mình không lẻ loi. Chúng tôi càng vững vàng làm nhiệm vụ.
Ngày 18,19/12, rồi 10 ngày đêm nữa tiếp nối nhau trôi qua một cách khẩn trương và đầy căng thẳng. Có những lúc tôi cảm thấy cuộc sống của mình chỉ tính bằng phút, bằng giờ. Nhưng một sức mạnh trầm sâu từ bên trong đã giúp chúng tôi đứng vững trên điểm cao Đại học Sư phạm và hoàn thành nhiệm vụ. Đó là lòng tự hào của sinh viên thời chiến và tinh thần trách nhiệm cao. Thông tin giữa đài quan sát và huyện đội luôn luôn được nối liền. Bộ tư lệnh Thủ đô đã gọi điện trực tiếp biểu dương tổ đài ngay trong những giờ chiến đấu ác liệt. Các đồng chí ấy đặt tên cho tổ đài chúng tôi là “Con mắt phía Tây thành phố”.
Sau những ngày chiến đấu ác liệt, có một anh bạn nhà thơ của Khoa tôi hỏi tò mò:
“Những dáng đứng ở trên tầm cao ấy
Hẳn có những người không hổ thẹn vì nhau”.
Ngày thời gian công tác tại Nhật Bản và những ngày sống êm đẹp ở Khoa Văn, tôi cũng không thể nào quên những giờ phút học tập và chiến đấu đầy gian khổ như vậy.
PGS. TS Nguyễn Thị Bích Hà
Đăng bởi: Phòng CTCT