Tới tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển; bà Katherin Muller-Marin - Trưởng Đại diện
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
UNESCO tại Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học, TS. Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Văn Minh-Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Đỗ Việt Hùng Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nôi, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn-Trưởng khoa Sinh Học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học đến từ nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và trường phổ thông trong cả nước…
Hội nghị lần này nhằm đánh giá thực trạng nghiên cứu và giảng dạy Sinh học ở các trường đại học, cao đẳng, phổ thông và các viện nghiên cứu để từ đó định hướng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, Sinh học là khoa học của sự sống mà con người là đại diện cao nhất. Con người chúng ta với khả năng lao động sáng tạo của mình, cần và phải là thành viên tích cực nhất để xây dựng hành tinh - hệ sinh thái của chúng ta phải triển hài hòa, bền vững. Vì vậy, các vấn đề về Sinh học và liên quan đến Sinh học đang trở nên rộng hơn, phong phú và thiết thực hơn bao giờ hết.
Nghiên cứu khoa học, giảng dạy Sinh học và đào tạo giáo viên giảng dạy sinh học ở Việt Nam luôn không ngừng được đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trước yêu cầu của đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy Sinh học đang đứng trước nhiều thách thức và cũng là những cơ hội mới, đòi hỏi các nhà sinh học phải đổi mới nhiều hơn nữa, tìm các hướng nghiên cứu mới nhằm gắn kết các nghiên cứu khoa học cơ bản với khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.Tại hội nghị, các nhà khoa học tập trung thảo luận 3 chuyên đề: công nghệ sinh học và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ đời sống và phát triển xã hội; Nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học; Nghiên cứu khoa học giáo dục về giảng dạy sinh học ở trường đại học và phổ thông.
Toàn cảnh Hội nghị |
GS.TSKH. Trương Quang Học - Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội kiến nghị: Với tầm quan trọng và tính bức thiết của nghiên cứu, giảng dạy Sinh học hiện nay đối với vấn đề môi trường, các chương trình đào tạo cần gắn chặt hơn với thực tiễn phát triển của đất nước theo phương châm “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”. Có thể thêm vào môn học như: “Sinh học và thực tiễn phát triển của Việt Nam” để sinh viên có thể thấy được nhu cầu thực tiễn hiện nay đối với Sinh học về mặt cơ bản cũng như ứng dụng; lồng ghép các vấn đề thực tiễn hoặc tăng cường liên hệ, phân tích thực tiễn…
GS. Trương Quang Học đề xuất nhanh chóng xây dựng một số trượng đại học trọng điểm theo mô hình Đại học định hướng nghiên cứu; khẩn trương xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc; tăng cường thời lượng thực tập, cho thâm nhận thực tế; từng bước hiện đại hóa chương trình đào tạo cả về cấu trúc, nội dung và tổ chức thực hiện. Một trong những giải pháp hữu hiệu là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy trẻ.
PGS.TS. Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Công nghệ sinh học quốc gia đã khái quát những thành quả đạt được trong lĩnh vực CNSH ở Việt Nam thời gian qua và định hướng một số vấn đề Việt Nam cần quan tâm trong thời gian tới trong cả lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy. PGS. Hàm cũng nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu về CNSH ở nước ta và nhanh chóng đưa các thành tựu vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Nhấn mạnh vấn đề nâng cao năng lực dạy học cho các giáo viên sinh học trong các trường đại học, bà Phan Thị Thanh Hội - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, để rèn luyện năng lực hiểu biết của giáo viên sinh học điều cần thiết người giáo viên phải có nhu cầu học để nâng cao kiến thức sinh học, kiến thức tự nhiên, xã hội và có phương pháp để thực hiện điều đó.
Mặt khác, trong quá trình dạy học, giảng viên rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên bằng cách chuẩn bị tài liệu liên quan đến môn học hoặc yêu cầu sinh viên thu thập tài liệu. Giảng viên giao cho sinh viên hệ thống các câu hỏi hoặc các bài tập nhận thức để họ tự nghiên cứu và trả lời, hoặc viết tiểu luận.
Hướng dẫn cho sinh viên biết cách thu thập các nguồn tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu từ thư viện, từ mạng internet… Rèn luyện cho các giáo viên tương lai cách đặt câu hỏi, ra bài tập, cách ra đề kiểm tra viết, vấn đáp, trắc nghiệm khác quan, cách lập ma trận đề. Trong các học phần phương pháp dạy sinh học, yêu cầu mỗi sinh viên phải đặt câu hỏi trong một số bài, phân biệt các mức độ của câu hỏi.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Hiện nay, đa dạng sinh học đang bị suy thoái một cách báo động trên phạm vi toàn cầu và được xem là một trong hai vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất, thách thức lớn nhất cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, nghiên cứu và giáo dục về sinh học đa dạng sinh học có ý nghĩa ngày càng lớn, không chỉ theo nghĩa bảo tồn tài nguyên, mà còn trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nhân loại trong thế kỷ 21.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị |
Hội nghị khoa học quốc gia về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học ở Việt Nam lần thứ hai dự kiến sẽ được tiếp tục tổ chức vào năm 2014 tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
Nguồn: Báo GD&TĐ