Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, trong hai ngày 11,12/6/2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ trường ĐHSP Hà Nội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đại hội đã đánh giá những thành tích đạt được của Đảng bộ Trường trong nhiệm kỳ 2012-2015 và đề ra mục tiêu, phương hướng lãnh đạo của Đảng bộ Trường trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong nhiệm kỳ 2012-2015, Đảng ủy Trường đã lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Toàn thể cán bộ, học viên, sinh viên và học sinh của trường đã gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế của Bộ, của Ngành, tin tưởng và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu. Cán bộ, đảng viên của Nhà trường đã chủ động phát hiện, đấu tranh chống lại những quan điểm tư tưởng và việc làm trái với đường lối, tư tưởng cơ hội, thực dụng, cục bộ, những hành vi nói, viết và làm trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Công tác xây dựng đời sống văn hoá trong Nhà trường, phòng chống suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và học sinh – sinh viên được chú trọng. Các hoạt động sinh hoạt chính trị thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức các cuộc thi với nội dung, hình thức phù hợp với đối tượng là cán bộ, sinh viên được trường và các tổ chức đoàn thể chính trị quan tâm.
Trên cơ sở xác định nhiệm vụ đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy Trường đã tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với các định hướng: đổi mới Mô hình và Chương trình đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ đáp ứng yêu cầu về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra theo định hướng đào tạo năng lực sư phạm, năng lực nghề nghiệp cho sinh viên hướng tới năng lực thực hiện giảng dạy theo hướng tích hợp rộng và phân hóa sâu; đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với mục tiêu, chương trình và phương thức đào tạo mới; xây dựng hệ thống trường thực hành đáp ứng cho việc rèn nghề cho sinh viên; tập trung đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, quản lý đào tạo và NCKH; công khai quá trình đào tạo, cải tiến công tác phục vụ, thanh tra, kiểm tra quá trình đào tạo; mở các mã ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội. Công tác đào tạo gắn liền với việc đáp ứng nhu cầu xã hội, các mục tiêu đề ra trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng đều hoàn thành, tạo được niềm tin với người học và được các cơ sở giáo dục đánh giá cao.
Đồng chí Vũ Tuấn Dũng – Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội tặng hoa chúc mừng Đại hội
Trong công tác khoa học công nghệ, trường ĐHSP Hà Nội xếp thứ 5 trong danh sách 20 tổ chức của Việt Nam có số lượng công bố quốc tế cao nhất giai đoạn 2010 - 2014 (theo Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN). Trường ĐHSP Hà Nội là một trong các trường có số lượng các đề tài NCKH cấp nhà nước, cấp Bộ, đề tài từ quỹ Nafosted ổn định và đã bắt đầu mở ra hướng khai thác các đề tài NCKH từ các Sở KH-CN. Nhà trường đã thành lập các nhóm chuyên gia tư vấn khoa học để tư vấn cho nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ nên tỉ lệ các đề tài của trường đề xuất được phê duyệt cao. Công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ và của sinh viên, học viên cao học, của NCS cũng được quan tâm. Hàng năm, Nhà trường đều tổ chức Hội nghị KH cán bộ trẻ và Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên giành được giải cao "tài năng khoa học trẻ" của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao hàng năm. Các đề tài NCKH thường được gắn với đào tạo sinh viên, học viên nên đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Công tác hợp tác quốc tế đã thực sự góp phần tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, sinh viên và nâng tầm vị thế của Nhà trường trong khu vực và quốc tế. Trường đã duy trì các quan hệ hợp tác sẵn có và mở rộng thêm các quan hệ mới với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tạo sự hợp tác hiệu quả cho đào tạo, NCKH và bồi dưỡng cán bộ. Nhiều cán bộ đã bảo vệ thành công luận án TS, TSKH và ThS ở nước ngoài và trở về Trường công tác.
Công tác kế hoạch và quản lý tài chính của Nhà trường có nhiều chuyển biến, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, góp phần huy động tối đa hiệu quả các nguồn lực tài chính đáp ứng mọi hoạt động thường xuyên và đầu tư, phát triển của Nhà trường, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của cán bộ viên chức. Công tác đầu tư xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất được thực hiện theo phương châm triệt để thực hành tiết kiệm, đầu tư trọng điểm, theo chiều sâu, tránh dàn trải để đưa các công trình đi vào hoạt động. Nhà trường đã hoàn thành một số công trình xây dựng như hội trường 11-10; khu dịch vụ 128, 136 Xuân Thủy, các khu giảng đường B, C, D được tập trung cải tạo đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Đồng chí Đặng Xuân Thư – Bí thư Đảng uỷ khoá XII – tiếp tục được tín nhiệm và bầu làm Bí thư Đảng uỷ khoá XIII, nhiệm kì 2015 - 2020
Công tác tổ chức cán bộ được xác định là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định và phát triển của Nhà trường. Công tác cán bộ phải đi trước một bước, vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ trước mắt, vừa chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phát triển lâu dài của Nhà trường. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy Trường đã chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm, quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong toàn trường, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các văn bản, quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện những công việc cụ thể khác để tạo điều kiện điều hành, quản lý và đảm bảo công khai, dân chủ. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và công tác tuyển dụng được thực hiện theo đúng quy trình, nguyên tắc, đảm bảo công khai, minh bạch và dân chủ. Đảng ủy Trường đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, vì vậy cơ cấu đội ngũ cán bộ hiện nay ngày càng hợp lý. Hiện nay, Nhà trường có đội ngũ cán bộ gồm 1276 công chức, viên chức, trong đó có 793 giảng viên (chiếm 62%), 358 chuyên viên và cán sự (chiếm 28%), còn lại là Giáo viên dạy nghề và Giáo viên phổ thông, mầm non; trình độ đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao : 30,7% số cán bộ viên chức ( 49,4% giảng viên) có học vị tiến sỹ, TSKH trong đó có 19,2% giảng viên là GS, PGS.
Công tác xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Công tác tổ chức, quản lý đảng viên, tổ chức sinh hoạt chi bộ, đảng bộ được cải tiến, đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên mọi hoạt động của các đơn vị. Hàng năm, tỉ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 95%, trong đó trên 15% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tỉ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh cũng đạt trên 80%. Công tác phát triển đảng trong đội ngũ trí thức và đoàn viên thanh niên được chú trọng. Đảng ủy Trường đã có nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển Đảng, xác định rõ tiêu chuẩn, quy trình bồi dưỡng, kết nạp đảng viên và phân công các đảng ủy viên xuống các tổ chức cơ sở đảng để tìm hiểu, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Trường đã bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 1.608 quần chúng tích cực; phát triển được 438 đảng viên mới (Bình quân phát triển được 146 đảng viên/năm, vượt hơn 20% so với chỉ tiêu đặt ra là 120 đảng viên/năm).
Công tác lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội được Đảng ủy Trường quan tâm đúng mức. Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Trường đã thể hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình. Công đoàn Trường đã thể hiện vai trò của mình trong tham gia giải quyết các chế độ chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích của cán bộ, viên chức, trong tuyển dụng và trong thi đua - khen thưởng. Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, động viên cán bộ, học viên, sinh viên, học sinh tích cực học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, thực hiện nếp sống văn minh nơi công sở, đổi mới nề nếp, tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiệu quả. Các phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, các Hội thi “Tuyên truyền viên và kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Tôi yêu Hà Nội”, tìm hiểu về “50 năm phong trào Ba sẵn sàng”, “70 năm truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam” đã thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ và sinh viên. Đặc biệt trong năm 2014 trường đã tổ chức thành công Hội thảo “Lịch sử và ý nghĩa thời đại” và tổ chức “Lễ mít tinh Kỷ niệm 50 năm khởi xướng phong trào Ba sẵn sàng”.
Đồng chí Vũ Tuấn Dũng – Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội – tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Trường ĐHSP Hà Nội khoá XIII trong lễ ra mắt
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Đại hội cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác lãnh đạo của Đảng ủy Trường và các tổ chức cơ sở Đảng trong nhiệm kỳ qua: Đảng ủy Trường còn hạn chế trong việc đề xuất những giải pháp thực sự mang tầm chiến lược để tạo ra những bước phát triển lớn cho Nhà trường; công tác nghiên cứu khoa học tuy có nhiều thành tựu đáng tự hào nhưng cho đến nay vẫn chưa có những chương trình nghiên cứu lớn nhằm thu hút đông đảo các nhà khoa học tham gia và để giải quyết những vấn đề lớn cho khoa học, cho ngành, cho xã hội; công tác hợp tác quốc tế vẫn còn những hạn chế, chưa thực hiện được rộng khắp các mảng hoạt động, vẫn chỉ tập trung ở một số đơn vị trong lĩnh vực khoa học cơ bản; cơ sở vật chất của Nhà trường tuy đã được cải thiện nhưng một số hạng mục công trình vẫn còn triển khai chậm, thời gian thi công kéo dài gây khó khăn, lãng phí cho quản lý và khai thác sử dụng.
Với tinh thần Đoàn kết - Trí tuệ - Sáng tạo, tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đại hội đã sôi nổi thảo luận và nhất trí với mục tiêu tổng quát của Đảng bộ Trường trong nhiệm kỳ 2015-2020 là: “Xây dựng khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của toàn thể cán bộ và sinh viên toàn Trường, quyết tâm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn của khu vực, dẫn đầu trong hệ thống đào tạo giáo viên, trở thành cơ sở nghiên cứu có tầm chiến lược về khoa học giáo dục, mạnh về khoa học cơ bản; chủ động, tích cực và tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Các mục tiêu cụ thể
1. Công tác chính trị tư tưởng:
Giáo dục, bồi dưỡng cán bộ viên chức, đảng viên nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trách nhiệm cao trong công tác, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chuyên môn, đoàn kết nhất trí, kiên trì mục tiêu giữ ổn định các ngành, nghề đào tạo trong điều kiện tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, đồng thời làm cơ sở cho sự phát triển lâu dài của Nhà trường.
2. Thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường:
Phấn đấu tiếp tục ổn định và phát triển quy mô tuyển sinh các bậc, hệ; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; nâng cao vị thế của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học, trong các hoạt động giáo dục phổ thông; xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo hiện đại; đổi mới để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, từng bước nâng vị thế của Nhà trường lên ngang tầm khu vực và hội nhập quốc tế.
3. Công tác xây dựng đội ngũ và xây dựng Đảng
Phấn đấu đến năm 2020, có trên 55% giảng viên có trình độ TS và TSKH; trong đó có trên 22% giảng viên có học hàm GS, PGS.
Phấn đấu đến năm 2020, có 60% cán bộ, viên chức là đảng viên; mỗi năm toàn Đảng bộ kết nạp được ít nhất 130 đảng viên, trong đó chú trọng công tác phát triển đảng trong học sinh trung học phổ thông; tỉ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 95%; tỉ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu Trong sạch, vững mạnh trên 60%; Đảng bộ Trường đạt danh hiệu Cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Đại biểu dự đại hội biểu quyết thông qua một số nội dung Đại hội
Phương hướng hoạt động của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2015 – 2020
1. Tiếp tục giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong toàn thể cán bộ, đảng viên, sinh viên trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, có đủ bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Nhà trường.
2. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức cả về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách phục vụ. Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn đánh giá các và xây dựng bộ quy tắc làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà trường.
3. Cải thiện điều kiện phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, tập trung đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục. Tiếp tục hoàn thiện chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo và hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, hiểu biết văn hoá của người học.
4. Duy trì và phát huy tác dụng của công tác thanh tra, công tác khảo thí- đảm bảo chất lượng giáo dục, quy chế đào tạo trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
5. Khuyến khích và ưu tiên đầu tư nâng cao giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình khoa học, các sản phẩm nghiên cứu khoa học; xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh để khẳng định vị thế của Nhà trường.
6. Khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực để nâng cao vị thế, mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhà trường đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo khác, tích cực đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và đất nước.
7. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; tăng cường xây dựng các chương trình liên kết đào tạo với các trường uy tín trên thế giới, vừa góp phần bồi dưỡng cán bộ vừa nâng cao vị thế quốc tế của Nhà trường.
8. Tăng cường công tác quản lí tài chính, thực hành tiết kiệm, tìm kiếm nguồn thu hợp pháp để đảm bảo các hoạt động của Nhà trường và từng bước cải thiện điều kiện sống và môi trường làm việc của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường.
9. Tăng cường công tác quản lí, giáo dục học sinh, sinh viên góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất chính trị tốt, có đạo đức trong sáng, tác phong, lối sống lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức vươn lên và có quyết tâm cao trong sự nghiệp và cuộc sống.
10. Chủ động, tích cực tham gia thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; nâng cao năng lực của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Học liệu trong việc tổ chức biên soạn, xuất bản giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo, các thiết bị, đồ dùng dạy và học... đón đầu phục vụ và đáp ứng tốt các yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
11. Xây dựng các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên vững mạnh, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể này trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
12. Tăng cường lãnh đạo công tác thi đua – khen thưởng, động viên cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng và phát triển Nhà trường.
Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, học sinh sinh viên trong toàn Trường phát huy tinh thần Đoàn kết - Trí tuệ - Sáng tạo, tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Đại hội đề ra, trên cơ sở đó góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo, vào sự lớn mạnh của Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, vào công cuộc xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đặng Xuân Thư
Bí thư Đảng ủy Trường ĐHSP Hà Nội Khóa XIII