Thực hiện lời dạy của Bác, ngành giáo dục đã phát động phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” để tăng chất lượng giáo dục, đào tạo ra những con người mới phát triển toàn diện. Bài viết này trình bày về phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” theo lời dạy của Bác. Trên cơ sở nghiên cứu những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Bác về thi đua “dạy tốt, học tốt”, bài viết trình bày phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc với điển hình là trường cấp II Bắc Lý (Hà Nam) và phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
1. Từ tư tưởng của Bác về thi đua “dạy tốt, học tốt”
Đối với Bác, thi đua là khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự cường, lòng tự tôn và khí phách tự hào dân tộc.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành được chính quyền, trong hoàn cảnh khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, giáo dục vẫn được Bác nhắc đến như một vấn đề tối quan trọng. Bác khẳng định và nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Ba năm sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong bộn bề công việc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, nhưng Bác vẫn luôn dành thời gian quý hiếm của mình để nghĩ về vấn đề thi đua. Vào dịp kỷ niệm ngày 01/05/1948, Bác đã ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, trong đó nhấn mạnh:
“Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai.
Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta thì chúng ta phải đi mau.
Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”[1].
Tiếp đó, nhân kỷ niệm 1000 ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 11/06/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, đồng thời nêu lên những yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với phong trào cách mạng nước ta. Bác đã chỉ ra nhiệm vụ của thi đua ái quốc là:
“Diệt giặc đói,
Diệt giặc dốt,
Diệt giặc ngoại xâm”[2].
Bác chỉ rõ giặc dốt là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của đất nước cùng với giặc đói và giặc ngoại xâm. Diệt giặc dốt là nhiệm vụ quan trọng thứ hai sau diệt giặc đói và xếp trên giặc ngoại xâm.
Bác cho rằng: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua nhau:
Làm cho mau
Làm cho tốt,
Làm cho nhiều”[3].
Bác tin tưởng rằng: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”[4].
Và để thực hiện thắng lợi mục tiêu, Bác cũng yêu cầu: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”[5].
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, lan rộng và trở thành cao trào cách mạng của nhân dân, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp dựng nước của dân tộc.
Tiếp theo Lời kêu gọi thi đua ái quốc, để thực hiên nhiệm vụ diệt giặc dốt và động viên phong trào thi đua trong ngành giáo dục Bác còn trực tiếp viết thư Gửi anh chị em cán bộ bình dân học vụ trong dịp phát động thi đua ái quốc, trong đó Bác kêu gọi: “Tôi mong rằng trong cuộc Thi đua ái quốc, các chiến sĩ sẽ hăng hái xung phong, diệt cho hết giặc dốt”[6].
Sự quan tâm của Bác đối với phong trào thi đua trong ngành giáo dục còn thể hiện qua trên dưới 5 bài nói chuyện tại các hội nghị ngành giáo dục và thư gửi các thầy giáo, cô giáo... Không chỉ ra lời kêu gọi mọi người thi đua mà Bác còn luôn theo dõi sát sao và dành sự quan tâm đặc biệt cũng như sự động viên kịp thời cho phong trào. Đặc biệt, trong mỗi bài phát biểu, bài viết, Bác luôn đưa ra những nhận định cụ thể về ưu điểm cũng như những điểm còn hạn chế trong ngành giáo dục, từ đó động viên các thầy giáo, cô giáo phấn đấu để trở thành những thầy giáo, cô giáo giỏi, như bài Nói chuyện tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn ngành giáo dục (17/02/1956), Bài nói tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm...
Bác khẳng định: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”[7]. Và “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”[8].
Như vậy, qua một số bài viết, bài nói chuyện, thư của Bác liên quan đến phong trào thi đua của ngành giáo dục, có thể thấy, Bác rất quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào thi đua trong ngành giáo dục nói riêng. Bác khẳng định vị trí của thi đua trong sự nghiệp cách mạng, thi đua là yêu nước. Bác cũng khẳng định diệt giặc dốt là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của thi đua ái quốc. Trong việc thực hiện nhiệm vụ diệt giặc dốt, nhiệm vụ của người giáo viên khó khăn nhưng rất quan trọng và “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.
2. ... Đến phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” với điển hình Bắc Lý
Thực hiện Lời kêu gọi của thi đua ái quốc của Bác, các phong trào thi đua trong ngành giáo dục diễn ra sôi nổi, trong đó quan trọng nhất là phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” (Hai tốt) với điển hình là trường cấp II Bắc Lý trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX.
Trường cấp II Bắc Lý (nay là trường THCS Bắc Lý) được thành lập vào năm 1953. Lúc đầu, trường được đặt tại vùng căn cứ phía bắc huyện Lý Nhân.
Những năm 1953 - 1954 mặc dù trường đã được thành lập, nhưng trong trong hoàn cảnh chiến tranh nên không có địa điểm cụ thể mà phải học nhờ ở các đình, chùa. Không có bàn ghế nên mỗi học sinh khi đi học phải tự mang theo bàn ghế để ngồi học. Vất vả như vậy nhưng hiếm khi có học sinh nghỉ học. Năm 1957, trường được chuyển về thôn Tú Uyên, xã Trung Lý (nay thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), vốn là một dọi đất nằm giữa một vùng đồng nước mênh mông.
Thời kỳ này miền Bắc đẩy mạnh phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hòa trong không khí phấn chấn của cả nước, thầy, trò và nhân dân Bắc Lý nung nấu quyết tâm xây dựng một ngôi trường thật khang trang, hiện đại. Hàng trăm người dân cùng toàn thể thầy và trò đã được huy động để đào đất, đắp nền, góp công góp của xây dựng trường. Ngoài việc xây dựng các phòng học, cơ sở vật chất, thầy và trò Bắc Lý còn cải tạo, san lấp ao hồ để thành lập vườn trường. Đội ngũ giáo viên trường cấp II Bắc Lý hồi đó là những người con của các tỉnh, thành như: Ninh Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hà Nội… đã cất công đi tìm kiếm, sưu tầm nhiều loại cây về trồng tại vườn trường, tìm hiểu và sáng chế ra các giáo cụ trực quan để học sinh vừa học tập vừa lao động, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Đây được coi là nét độc đáo, sáng tạo của nhà trường thời bấy giờ và được Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục - Đào tạo) chọn làm điểm để nghiên cứu về cách dạy và học.
Cuối năm 1960, Đảng và Nhà nước đã xác định phương châm giáo dục của nước ta là: Học phải đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội. Tháng 10 năm 1961, ngành giáo dục tổ chức Đại hội thi đua “Dạy thật tốt, học thật tốt, xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa” tại thị xã Phủ Lý, Hà Nam. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua “Hai tốt” trong ngành giáo dục với yêu cầu: Noi gương các ngành khác, nâng cao nhiệt tình cách mạng, để thực hiện nhiệm vụ của ngành mình. Theo Bác, “Hai tốt” nghĩa là dạy thật tốt theo nguyên lý giáo dục của Đảng, đào tạo thế hệ trẻ thành những người lao động phát triển toàn diện, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc; học thật tốt, khắc phục khó khăn, tiếp thu những kiến thức khoa học để tham gia xây dựng quê hương, có lí tưởng và sẵn sàng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tại Đại hội này, trường cấp II Bắc Lý được tuyên dương công nhận là lá cờ đầu trong phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục, với thành tích “đã khắc phục khó khăn, trở ngại, phấn đấu bền bỉ thực hiện một cách sáng tạo mục đích, nhiệm vụ, nguyên lí giáo dục, phương châm giáo dục của Đảng với những kết quả bước đầu hết sức tốt đẹp”[9].
Từ điển hình Bắc Lý, Đại hội đã phát động một phong trào thi đua mạnh mẽ trong toàn ngành giáo dục với khẩu hiệu: “Tích cực thi đua dạy tốt, học tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý”.
Sau đại hội này, một phong trào thi đua sôi nổi đã nhanh chóng lan rộng trong các trường học từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi. Hầu như đi tới đâu, mọi người cũng nói về Bắc Lý và phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”. Mỗi học sinh Bắc Lý lúc đó được đeo một chiếc huy hiệu hình bông hoa, trên đó ghi chữ “Hai tốt”. Trong nhiều năm tiếp theo, trường cấp II Bắc Lý tiếp tục dẫn đầu phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” và trở thành đơn vị điển hình trong phong trào thi đua yêu nước.
Tháng 4 năm 1966, hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Hai tốt” lần thứ hai. Bên cạnh lá cờ đầu Bắc Lý phong trào đã có thêm các ngọn cờ tiên tiến, xuất sắc mới cho từng cấp học, từng ngành học, như: trường cấp I Hải Nhân (Thanh Hóa), trường phổ thông cấp III Xuân Đỉnh (Hà Nội), trường mẫu giáo xã Tân Tiến (Hải Hưng, nay là Hưng Yên) và phong trào bổ túc văn hóa xã Yên Cương (Hà Nam Ninh), xã Thu Phong (Hà Sơn Bình, nay là Hòa Bình), Nhà máy ô tô 1 - 5 (Hà Nội).
Giữa năm 1971, hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Hai tốt” lần thứ ba tiếp tục biểu dương mạnh mẽ 3 lá cờ đầu là Bắc Lý, Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình và xã Cẩm Bình - một xã có phong trào giáo dục toàn diện, gắn chặt với 3 cuộc cách mạng ở địa phương - cùng với hàng trăm trường tiên tiến khác của các ngành, các cấp học.
Tiếp sau đó, tháng 12 năm 1972, ngành giáo dục lại đi sâu tổng kết công tác giáo dục ở miền núi và biểu dương các ngọn cờ thi đua xuất sắc, các đơn vị điển hình tiên tiến ở miền núi, như: xã Ngổ Luông (Hà Sơn Bình, nay là Hòa Bình), trường Thanh niên dân tộc Phú Yên, trường sư phạm cấp I Nghĩa Lộ (Yên Bái), trường phổ thông cấp I La Pàn Tân (Nghĩa Lộ cũ, Yên Bái), trường phổ thông cấp I Công Đa, trường phổ thông cấp II Xuân Quang (Tuyên Quang cũ), trường phổ thông cấp III Bạch Thông (Bắc Thái, nay là Bắc Cạn), trường thiếu nhi vùng cao Bắc Sơn (Cao Lạng, nay là Lạng Sơn), trường Mẫu giáo xã Trung Bì (Hà Sơn Bình, nay là Hòa Bình), bổ túc văn hóa xã Mường Mùn (Lai Châu)... Cuộc tổng kết đã góp phần làm phong phú số lượng các điển hình tiên tiến và chất lượng các bài học kinh nghiệm. Ngành học nào, cấp học nào, ở miền xuôi hay miền núi đều có những tấm gương giáo viên, học sinh đông và cụ thể, ai cũng có thể học được và làm được.
Thắng lợi của phong trào thi đua “Hai tốt” đã làm cho các hoạt động giáo dục cơ bản của nhà trường phổ thông, mẫu giáo, bổ túc văn hóa, sư phạm ngày càng đi vào nền nếp, ổn định, cân đối, toàn diện theo đúng mục tiêu, nguyên lý giáo dục của Đảng. Đặc biệt, việc thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất ở nhiều trường đã tác động tới việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo con người mới ở mức độ khác nhau ở từng ngành, từng cấp học. Ở các trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, chất lượng giáo dục toàn diện về đào tạo con người lao động mới đã góp phần tích cực của mình vào việc sản xuất ra của cải vật chất và đẩy mạnh ba cuộc cách mạng ở địa phương.
Thành tựu của phong trào thi đua “Hai tốt” còn biểu hiện ở chỗ các đơn vị tiên tiến ngày càng nhiều và có chất lượng cao hơn tất cả các ngành học, các cấp học, cả ở miền xuôi và cả ở miền núi, ở nông thôn và thành phố, thị xã. Ngành học, cấp học nào, trường nào cũng có những điển hình tiên tiến xuất sắc và một mạng lưới đơn vị trường tiên tiến ngày càng tăng. Nhiều tỉnh và thành phố thuộc trung ương đã có những điển hình tiên tiến xuất sắc.[10]
Như vậy, từ Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác năm 1948 đã tạo nên một phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” sôi nổi, rộng khắp trải dài từ miền Bắc đến một số tỉnh miền Trung, từ đồng bằng đến miền núi, với sự tham gia của tất cả các cấp học: mầm non, mẫu giáo, cấp I (tiểu học), cấp II (THCS), cấp III (THPT), các trường bổ túc, các trường vừa học vừa làm đến cả các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Từ một điển hình Bắc Lý (Hà Nam), phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” đã được nhân rộng ra hàng chục trường đến hàng trăm trường tiên tiến xuất sắc. Phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” ở các trường đã làm tăng chất lượng giáo dục toàn diện về đào tạo con người lao động mới, góp phần tích cực vào việc sản xuất ra của cải vật chất và thắng lợi của sự nghiệp diệt giặc dốt, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc.
3. ... Và phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Hòa bình lập lại năm 1975 sau một thời kỳ dài chiến tranh, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước toàn diện trên các phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Ngành giáo dục tiếp tục có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” theo lời dạy của Bác phát triển lên một bước mới. Thi đua “dạy tốt, học tốt” được cụ thể hóa thành các cuộc vận động và các phong trào cụ thể trong ngành giáo dục từ cuộc vận động lớn của cả nước “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những cuộc vận động, phong trào này có tác dụng tích cực đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
3.1. Cuộc vận động “Hai không”[11]
Cuộc vận động “Hai không” là cách gọi tắt của cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã cụ thể hóa cuộc vận động “Hai không” bằng các giải pháp, đó là: những giải pháp liên quan đến đổi mới hoạt động giáo dục, những giải pháp liên quan đến đổi mới quản lý giáo dục và những những giải pháp liên quan đến phối hợp các lực lượng xã hội trong quá trình thực hiện chỉ thị 33[12].
Có thể nói, cuộc vận động “Hai không” là thước đo, là tấm gương để qua đó, mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên và rộng hơn là mỗi công dân kiểm chứng lại chính bản thân mình. Trong bối cảnh xã hội phải đối mặt với nhiều biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất..., mặt trái của cơ chế thị trường thì “Hai không” được kỳ vọng là bước đột phá trong khâu then chốt của sự nghiệp trồng người.
Cuộc vận động “Hai không” thực tế đã tạo không khí mới, chấn chỉnh kỉ cương, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và là bước khởi đầu trong đổi mới công tác thi đua của ngành. Trong quá trình thực hiện, cuộc vận động “Hai không” đã thu được những thành tựu đáng kể.
Về đổi mới hoạt động giáo dục, việc áp dụng thi trắc nghiệm một số môn học đã góp phần đảm bảo tốt hơn tính khách quan trong coi thi, chấm thi; đảm bảo đề thi bao quát được nội dung dạy học và giảm chi phí về thời gian và kinh phí thi; Tổ chức thi theo cụm trường và chấm chéo các bài thi tự luận giữa các địa phương đã hạn chế các tiêu cực chủ quan trong coi thi và chấm thi. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đã đạt được hiệu quả thiết thực. Những hiện tượng bất thường xảy ra trong thi cũng đã được kịp thời phát hiện và xử lí theo đúng quy chế nên hạn chế được tác động tiêu cực tới công tác tổ chức thi. Số thí sinh bị đình chỉ thi đã giảm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2007 với nhiều địa phương đạt tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT dưới 50% (trong khi đó năm 2006 toàn quốc đạt 94%), cấp ủy và chính quyền các địa phương đã quan tâm, tập trung chỉ đạo công tác giáo dục, vì vậy hiệu quả, chất lượng giáo dục thực tế dần được nâng lên: năm 2008 tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT (lần 1) là 76%, tăng hơn 9% so với năm 2007; năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp là 83% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7% so với năm 2008; năm 2010 tỷ lệ tốt nghiệp là 92,57%, tăng 8,97% so với năm 2009; năm 2011 tỷ lệ tốt nghiệp là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010.
Về đổi mới quản lý giáo dục đã có hiệu quả thiết thực. Bệnh thành tích trong công tác thi đua đã giảm và đã góp phần thiết thực đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trong toàn ngành.
Trong 2 năm (2007 - 2009), 63/63 Sở Giáo dục - Đào tạo đã thành lập Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đã có bước phát triển mạnh. Năm học 2010 - 2011, tổng số trường đủ điều kiện đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục và thực hiện tự đánh giá là 19.687/27.956 (đạt tỷ lệ 70,4%).
Tình hình vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm (năm 2008 có 122 vụ vi phạm đạo đức nhà giáo, năm 2009 có 24 vụ, năm 2010 có 11 vụ, 6 tháng đầu năm 2011 có 03 vụ). Nhiều tấm gương tận tụy vì học sinh thân yêu, cống hiến vì sự nghiệp đổi mới của ngành, vì sự phát triển của đất nước đã được biểu dương kịp thời. Qua 3 đợt xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú từ 2006 đến 2011, Chủ tịch nước đã phong tặng 299 Nhà giáo nhân dân và 2.374 Nhà giáo ưu tú. Việc ban hành chuẩn đánh giá theo nhiều mức độ đạt được theo từng tiêu chí cụ thể, giúp giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường thấy rõ từng mặt mạnh, mặt yếu của bản thân để xây dựng kế hoạch tự phấn đấu, bồi dưỡng.
Về phối hợp các lực lượng xã hội, hội Phụ nữ đảm bảo 100% học sinh không bị đói. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức quyên góp áo ấm cho học sinh. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi năm tổ chức tặng hơn 70 nghìn bộ sách giáo khoa cho con thương binh, liệt sĩ trị giá hơn 7 tỉ đồng, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa học tập.
Giáo dục là quốc sách. Cuộc vận động “Hai không” xét cho cùng là cuộc vận động nhằm lành mạnh hóa môi trường giáo dục Việt Nam, từ đó đưa nền giáo dục nước nhà trở thành nền giáo dục tiên tiến hiện đại đáp ứng được nhu cầu nhân lực không ngừng tăng lên của xã hội. Minh triết của “Hai không” là không thể phủ nhận, thành tựu mà “Hai không” đạt được trong những năm qua là đáng trân trọng. Hiện nay, “Hai không” vẫn đồng hành với chúng ta trong sự nghiệp phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục như nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
3.2. Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”[13]
Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là sự vận dụng sáng tạo nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục - đào tạo, do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động năm 2007.
Cuộc vận động nhằm mục đích: Làm cho đội ngũ Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và toàn thể cán bộ viên chức trong toàn trường nhận thức những nội dung cơ bản và ý nghĩa về tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của mỗi thầy cô giáo trong hoạt động giáo dục - đào tạo. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ viên chức về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Cuộc vận động này đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là chất lượng của đội ngũ nhà giáo.
Đội ngũ nhà giáo đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, ý thức tổ chức, kỷ luật không ngừng được nâng cao. Chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng lên cả về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học. Phần lớn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, yêu ngành, yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ đào tạo và năng lực sư phạm. Đến nay, giáo viên mầm non đạt chuẩn 89,1% (trên chuẩn 33,5%); giáo viên tiểu học đạt chuẩn 98,68% (trên chuẩn 43%); giáo viên THCS đạt chuẩn 98,37% (trên chuẩn 30,43%); giáo viên THPT đạt chuẩn 98% (3,8% thạc sĩ trở lên).
Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh. Đến năm học 2009 - 2010, tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương đạt tới 55%; hàng năm có hơn 20.000 đảng viên mới được kết nạp. Trong toàn ngành, đội ngũ nhà giáo và lao động có gần 1,3 triệu người; trong đó trực tiếp giảng dạy có 1.059.818 người; Giáo dục mầm non có 246.234 người, trong đó trực tiếp giảng dạy là 183.443 người; Giáo dục phổ thông có 986.720 người, trong đó giáo viên trực tiếp giảng dạy là 797.778 người; Giáo dục chuyên nghiệp có 16.214 người.
Theo số liệu báo cáo của Chính phủ số 51/BC-CP ngày 8/5/2010, số trường đại học cả nước có 175 trường; trong đó, công lập 127 trường, ngoài công lập có 48 trường; số trường Cao đẳng có 232 trường; trong đó, công lập 127 trường, ngoài công lập 30 trường, tăng so với năm học 2008 - 2009 là 46 trường. Số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo và lao động; đội ngũ giảng viên tiếp tục tăng, cả nước có 61.190 người, tăng so với năm học 2008 - 2009 là 7.968 (tăng 15%).
Về chất lượng, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư là 2.286 người, đạt tỷ lệ 3,74%; tiến sĩ có 6.217 người, đạt tỷ lệ 10,16%; thạc sĩ có 22.831 người, đạt tỷ lệ 37,31%.
3.3. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”[14]
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là sự cụ thể hóa của cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục.
Phong trào thi đua này nhằm mục tiêu: 1 - Huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. 2 - Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp, hiệu quả.
Yêu cầu của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là tập trung các nguồn lực để giải quyết dứt điểm những yếu kém về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, tạo điều kiện cho học sinh khi đến trường được an toàn, thân thiện, vui vẻ, đảm bảo có đủ nhà vệ sinh sạch sẽ. Thầy cô giáo đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hội nhập quốc tế; tăng cường giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh từ thực tiễn. Phong trào thi đua phải đảm bảo tính tự giác, không gây áp lực quá tải trong công việc của nhà trường, sát với điều kiện cơ sở.
Nội dung chủ yếu của phong trào này là: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở địa phương giúp các em tự tin trong học tập; Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.
Trong một thời gian thực hiện, phong trào đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Về dạy và học hiệu quả, giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Học sinh được hướng dẫn cách tự học, cách tổ chức và tham gia các hoạt động làm việc theo nhóm, chủ động bày tỏ các quan điểm, hiểu biết trong bài học.
Về cảnh quan và đều kiện cơ sở vật chất của các trường
Từ phong trào thi đua này, cảnh quan và điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường được cải thiện nhanh chóng, có cây xanh bóng mát, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Số công trình vệ sinh được xây mới đã tăng thêm 20% so với năm học trước, nâng tổng số trường có công trình vệ sinh là 38.893 trường, đạt 96,7% , trồng mới 2,2 triệu cây xanh...
Về rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Học sinh được trang bị kiến thức cơ bản để ứng xử với những tình huống trong cuộc sống, kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm, kỹ năng tự chăm sóc bản thân... Một số trường đã xây dựng bộ Quy tắc ứng xử văn hóa, thành lập tổ tư vấn, xây dựng hệ thống câu lạc bộ trong nhà trường...
Về các hoạt động vui chơi tập thể
Các hoạt động văn hóa, thể thao trong học sinh, sinh viên được tổ chức thường xuyên, theo định kỳ đã thực sự là sân chơi bổ ích, giúp học sinh, sinh viên định hướng, nâng cao thẩm mỹ và rèn luyện thân thể, thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia vào các hoạt động giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên.
Trong phong trào này, các địa phương và nhà trường đã chủ động sưu tầm các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca trong vùng để giới thiệu và hướng dẫn học sinh hát dân ca và chơi các trò chơi dân gian trong các giờ ra chơi và sinh hoạt tập thể. Qua các trò chơi và các làn điệu dân ca, tình cảm đối với quê hương, đất nước của học sinh trở nên sâu sắc hơn.
Tóm lại, từ rất sớm Bác Hồ đã chú trọng đến công tác thi đua nói chung và thi đua “dạy tốt, học tốt” trong ngành giáo dục nói riêng. Tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước trong ngành giáo dục định hướng và đưa đến một phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” sôi nổi theo điển hình trường cấp II Bắc Lý.
Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngành giáo dục đào tạo đã cụ thể hóa bằng cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Những cuộc vận động, phong trào này đã góp phần tích cực vào việc cải thiện chất lượng giáo dục nước nhà.
65 đã qua đi (1948 - 2013) kể từ ngày Bác Hồ kêu gọi Thi đua ái quốc, những chỉ dẫn, những mong mỏi của Người là phải “làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái” đã từng bước được thực hiện. Trong những kết quả đó, phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” vừa là động lực, vừa là mục tiêu của quốc sách giáo dục. Sự phát triển toàn diện, nhanh chóng cả về quy mô, loại hình, chất lượng đào tạo của ngành giáo dục đã góp phần nâng cao dân trí. Chiến lược con người luôn là mối quan tâm bức xúc của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Đầu tư cho giáo dục, xã hội hóa công tác giáo dục đào tạo đã thực sự tạo ra những kết quả nhất định, bước đầu trong giáo dục nhà trường. Song chúng ta đều biết, mục tiêu đào tạo những con người có có tài và có đức, để kế tiếp cha anh phục vụ Tổ quốc và nhân dân, sẽ luôn gắn liền với phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” tại các nhà trường.
Nói “dạy tốt, học tốt” là nền tảng của quốc sách giáo dục trong đường lối chiến lược của Đảng ta, vì “dạy tốt, học tốt” sẽ làm cho các em trở thành con ngoan, trò giỏi. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung), đào tạo hiền tài là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong chiến lược con người của toàn Đảng, toàn dân. Song hiền tài chỉ có được khi phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” tại các nhà trường được phát triển cả về quy mô và chất lượng.
GS.TS Đỗ Thanh Bình
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy
Khoa Lịch sử, trường ĐHSP Hà Nội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục (1977), Tiến lên không ngừng dưới ngọn cờ thi đua Hai tốt của trường cấp II Bắc Lý, Bộ Giáo dục, Hà Nôi.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947 - 1949), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11 (1963 - 1965), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12 (1966 - 1969), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
5. Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước (tuyển chọn và chuyên luận), (2000), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6. Đỗ Thị Nga (2007), Trường THCS Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam) từ khi thành lập đến nay (1953 - 2006), Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Phòng Tư liệu khoa Lịch sử, trường ĐHSP Hà Nội.
8. http://www.gdtd.vn/channel/3321/201304/Bat-dau-tu-giao-vien-1968473/
9. http://gdtd.vn/channel/2762/2009/07/1712877/
11. http://www.gdtd.vn/channel/2741/201107/Hai-khong-May-dieu-suy-ngam-1949703/
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947 - 1949), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.419
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947 - 1949), Sđd, tr.444.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947 - 1949), Sđd, tr.444.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947 - 1949), Sđd, tr.445.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947 - 1949), Sđd, tr.444
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947 - 1949), Sđd, tr.484.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11 (1963 - 1965), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1966, tr.616.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12 (1966 - 1969), Sđd, tr.603.
[9] Bộ Giáo dục (1977), Tiến lên không ngừng dưới ngọn cờ thi đua Hai tốt của trường cấp II Bắc Lý, Bộ Giáo dục, Hà Nôi, tr3.
[10] Xin xem thêm: Bộ Giáo dục (1977), Tiến lên không ngừng dưới ngọn cờ thi đua Hai tốt của trường cấp II Bắc Lý, Sđd, tr 31-31, 79-80.
[11] Cuộc vận động “Hai không” là sự cụ thể hóa của cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động này do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động ngày 31/7/2006, dựa theo Chỉ thị số 33, tức Chỉ thị 33/2006/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 08/9/2006 về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
[12] Chỉ thị 33/2006/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 08/9/2006 về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
[13] Cuộc vận động này do Công đoàn giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động ngày 20/11/2007, nhân kỷ niệm 25 ngày Nhà giáo Việt Nam dựa theo Chỉ thị số 333/2006/CT-TTg, ngày 8/9/2006 Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”; và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động tổng kết vào ngày 20/11/2012.
[14] Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động ngày 22/07/2008, theo Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT