Thực hiện một trong các nội dung trong chương trình làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sáng ngày 30 tháng 05 năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội long trọng tổ chức Chương trình “Toạ đàm về đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo” tại Hội trường K1.
Đến dự với chương trình, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Nhà giáo Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; Lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc; Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo; Các chuyên gia tham gia soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo; Đại diện lãnh đạo các trường Đại học Luật, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Nhà trường và đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng, ban chủ nhiệm, các giảng viên và sinh viên của nhà trường.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn trân trọng đến Cục Nhà giáo đã phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tổ chức buổi Tọa đàm. Đây là một chương trình có nhiều ý nghĩa, Thầy khẳng định: “Truyền thống tôn sư trọng đạo được truyền từ ngàn đời nay của người Việt có giá trị văn hóa to lớn, đặt trong bối cảnh hiện nay giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu; việc cụ thể hóa và thể chế hóa các giá trị và tư tưởng thành luật là một công việc có giá trị quan trọng. Luật Nhà giáo ra đời sẽ có tác động đến việc điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội và cần có sự đồng thuận. Với tư cách là đơn vị đào tạo các nhà giáo và các nhà khoa học; sự hiện diện, tiếng nói của các nhà giáo trong các trường sư phạm vừa với tư cách là đối tượng sau này chịu sự điều chỉnh của luật, vừa với tư cách là các nhà khoa học có thể dự báo, có cách nhìn vượt trước thời đại. Vì vậy, sự tham gia của các trường đại học sư phạm trong Dự thảo luật sẽ mang tính thực tiễn cao. Tất cả các giá trị này sẽ được đưa vào đề cương của Luật và kết tinh trong sản phẩm cuối cùng”.
PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc chương trình
Mở đầu nội dung Tọa đàm, đại diện cho Đoàn chủ tịch, Nhà giáo Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã trình bày các nội dung chính liên quan đến việc triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, cụ thể (1) Tiến độ triển khai xây dựng Luật Nhà giáo; (2) Các chính sách và dự thảo Luật Nhà giáo; (3) Một số điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo; (4) Một số nội dung cần tiếp tục xin ý kiến. Nhà giáo Vũ Minh Đức nhấn mạnh về 5 nội dung tập trung cần thảo luận.
Nhà giáo Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trình bày các nội dung biên soạn của Luật Nhà giáo
Tiếp nối chương trình, GS.TS. Nguyễn Văn Minh – Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường đã chia sẻ những nội dung về vấn đề Đào tạo Nhà giáo: Giải pháp căn bản của thành công trong đổi mới giáo dục. Thầy nhấn mạnh đến một số điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Nhà giáo và các ví dụ về đào tạo giáo viên tại một số quốc gia như Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Xin-ga-po. Thầy đã chỉ ra các vấn đề cần thảo luận trong mô hình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm.
GS.TS. Nguyễn Văn Minh – Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế
Khép lại phiên báo cáo là bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường về Những quy định về hoạt động bồi dưỡng nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo – Một góc nhìn chuyên môn. Thầy đã đặt ra các vấn đề, các thách thức trong việc đào tạo và bồi dưỡng Nhà giáo, vai trò của việc bồi dưỡng và hỗ trợ thường xuyên cho các giáo viên địa phương. Đặc biệt cần chú trọng đến mối quan hệ giữa các trường đại học sư phạm và Sở giáo dục các tỉnh, thành phố.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường chia sẻ về dự thảo Luật dưới góc độ chuyên môn
Sau khi lắng nghe các bài trình bày, chương trình diễn ra sôi nổi với phần thảo luận đến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các lãnh đạo, các thầy cô về quy định đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế trong dự thảo Luật Nhà giáo và góp ý đối với Dự thảo Luật Nhà giáo. Các câu hỏi, các vấn đề được đặt ra như chuẩn hóa thuật ngữ; kiến tạo chính sách hợp tác quốc tế để thu hút người tài là người nước ngoài và nâng cao vị thế của các nhà giáo trong nước; tầm quan trọng của chứng chỉ hành nghề; xây dựng các môi trường giáo dục mang tính văn hóa và mẫu mực; quy định và mối quan hệ giữa đào tạo và bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh, bảo vệ nhà giáo, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Buổi tọa đàm khép lại với nhiều câu hỏi sâu sắc và có tính thực tiễn cao đã phần nào giúp những người tham gia giải đáp những thắc mắc về quá trình biên soạn dự thảo Luật Nhà giáo – một văn bản quan trọng khẳng định vị trí của nhà giáo, những người có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và có vị trí quan trọng trong xã hội. Luật Nhà giáo sẽ được thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 (năm 2024) và Kỳ họp thứ 9 năm 2025 của Quốc hội khóa XV, vì vậy việc chuẩn hóa Luật Nhà giáo đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Đảng và Nhà nước.
Một số hình ảnh khác của chương trình Tọa đàm:
Tin bài: Phòng Hành chính - Đối ngoại
Ảnh: Linh Lê