Triết lí giáo dục của Trường đại học Sư phạm Hà Nội là Đào tạo nhà giáo xuất sắc có tinh thần nhân văn, tư duy hiện đại, hành động tích cực vì sự phát triển cộng đồng. Do vậy, các hoạt động vì cộng đồng luôn được Khoa Giáo dục Đặc biệt ưu tiên thực hiện.
Dự án TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC MẠNG LƯỚI HỖ TRỢ GIÁO DỤC HOÀ NHẬP TỈNH QUẢNG NGÃI VÀ ĐÀ NẴNG hợp tác giữa tổ chức CBM (CHLB Đức) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với sự điều phối chuyên môn của Khoa GDĐB đã thực hiện nhiều hoạt động trong suốt 5 năm qua nhằm mục tiêu thúc đẩy mạng lưới các nhà chuyên môn, giáo viên hỗ trợ giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Đồng thời, là cơ hội để khẳng định chuyên môn sâu trong việc định hướng các hoạt động hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật tại hai tỉnh miền Trung và cam kết cho mục tiêu hành động vì cộng đồng phát triển của Nhà trường.
Mặc dù đại dịch Covid gây ảnh hưởng tới việc triển khai các hoạt động của Dự án nhưng với sự nỗ lực, sáng tạo trong cách làm của mình, Khoa Giáo dục Đặc biệt đã tiến hành thực hiện chuỗi 5 khoá tập huấn chuyên môn sâu dành cho 100 lượt CBQL/giáo viên từ 2 trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN tỉnh Quảng Ngãi và Trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN Đà Nẵng, 35 lượt CBQL/giáo viên từ các phòng hỗ trợ GDHN tại các trường tiểu học và 35 lượt CBQL/giáo viên từ các trung tâm can thiệp sớm, trung tâm chuyên biệt trẻ khuyết tật trên địa bàn 2 tỉnh. Các khoá tập huấn lần này tập trung vào các kĩ năng giải quyết các vấn đề chuyên sâu cho trẻ khuyết tật mà hiện các trung tâm và các trường còn thiếu đó là Quản lí hành vi cho trẻ khuyết tật (30/11-1/12/2021), Âm ngữ trị liệu cho trẻ khuyết tật (2-3/12/2021), Điều hoà cảm giác cho trẻ khuyết tật (7-8/12/2021), Bảo vệ trẻ em khuyết tật: Phòng chống xâm hại tình dục (18/12/2021) và Đánh giá Wisc 4 cho trẻ khuyết tật (20-23/12/2021). Đa phần các chuyên đề do giảng viên khoa Giáo dục Đặc biệt đảm nhiệm hoặc tham gia giảng dạy và hướng dẫn, bao gồm TS. Đỗ Thị Thảo, TS. Nguyễn Thị Cẩm Hường, TS. Phạm Thị Bền, Ths. Nguyễn Thị Hoa, TS. Trần Thị Bích Ngọc…
CBQL, giáo viên đánh giá rất cao chất lượng chuyên môn và năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Trong đó, 94% đánh giá là rất hài lòng và 6% hài lòng đối với các khoá học. 100% người tham dự đều hài hòng về nội dung kiến thức giúp họ hỗ trợ người khuyết tật được tốt hơn. Tuy nhiên, do các khoá tập huấn chuyên sâu này được cung cấp qua hình thức online và thời gian thực hành hạn chế, có nhiều ý kiến đề xuất cần có thêm các khoá học trực tiếp và được thực hành thêm các khóa học khác nữa.
Với vai trò hỗ trợ, định hướng, chỉ đạo về chuyên môn bằng nhiều hoạt động như trên, Khoa Giáo dục Đặc biệt- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chuyên môn, đảm bảo mục tiêu giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật tại 2 tỉnh miền Trung là Quảng Ngãi và Đà Nẵng, thực hiện triết lí Giáo dục của Nhà trường trong các hành động vì cộng đồng và nhằm khẳng định vị trí tiên phong và chuẩn mực trong lĩnh vực Giáo dục Đặc biệt.
Một số hình ảnh về khóa học
Hình ảnh 05 đợt tập huấn cho CBQL/giáo viên các trung tâm hỗ trợ, trường hoà nhập và các trung tâm chuyên biệt tháng 12/2021 nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những người tham gia và sự đánh giá cao của đơn vị tài trợ - tổ chức CBM.
Tin bài và ảnh: Khoa Giáo dục Đặc biệt – Trường ĐHSPHN