Sáng 18/11/2021, trong cảm xúc đặc biệt thiêng liêng, hàng chục vạn cán bộ, cựu cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, học viên, cựu học viên, học sinh, cựu học sinh qua các thời kỳ cùng hướng về Hội trường lớn mang tên “Hội trường 11/10” để dõi theo một sự kiện trọng đại, một cột mốc quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển vinh quang của ngôi trường sư phạm anh hùng - Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (11/10/1951-11/10/2021).
Trong niềm phấn khởi, đầy tự hào, thầy trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được trân trọng đón chào đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự Lễ kỷ niệm và chung vui với Nhà trường. Buổi lễ cũng được vinh dự đón tiếp: đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước; đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các cơ quan, ban ngành Trung ương, Thành phố Hà Nội và các địa phương; đại diện lãnh đạo nhiều trường đại học, học viện, cao đẳng tại Hà Nội và trên cả nước; đại diện các Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước, các tổ chức quốc tế; các cơ quan thông tấn báo chí.
Tham dự buổi lễ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có GS.TS Nguyễn Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Thành phố Hà Nội, Hiệu trưởng Nhà trường; các thầy giáo, cô giáo nguyên Hiệu trưởng, nguyên Bí thư Đảng ủy, các nhà giáo tiêu biểu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội qua các thời kỳ; các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu, cùng hơn 200 đại biểu là cán bộ chủ chốt của các đơn vị và các nhà giáo tiêu biểu đang công tác. Buổi Lễ được phát trực tuyến trên nền tảng Zoom, LMS và trang fanpage của Trường đến đông đảo các thế hệ thầy, trò trong và ngoài nước.
Trong không khí trang trọng của buổi Lễ, trong bài diễn văn thấm đẫm tư tưởng và trách nhiệm của người dẫn dắt thế hệ hiện tại, GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát biểu đầy cảm xúc: Hôm nay các thế hệ thầy và trò, cán bộ, viên chức của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tụ hội về đây để kỷ niệm 70 năm thành lập Trường. Về đây là về với tình thầy trò, về với tình đồng nghiệp, tình bạn bè và tình người để chúng ta ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời đáng nhớ, ôn lại truyền thống quá đỗi hào hùng về mái trường thân yêu này, tĩnh tâm để nhìn lại mình để xác định trọng trách cao cả cho tương lai của nhà trường trong vận hội mới của dân tộc và của thời đại, để nâng cánh cho những ước mơ chân chính. Về đây là về với nguồn cội, về với ân tình nghĩa cả, về với trọng trách của quá khứ để suy ngẫm và hành động cho tương lai, về để tri ân những thế hệ đã cống hiến trọn đời mình cho mái trường này và cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Về đây để tiếp sức cho những gì cao đẹp cho thế hệ tương lai đang tiếp bước trên con đường vinh quang và còn nhiều gian khó.
Thay mặt thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo sư Hiệu trưởng trân trọng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, Ban ngành, các địa phương và các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước dành cho ngôi trường giàu truyền thống này. Nhân sự kiện trọng đại này, thầy và trò Nhà trường kỳ vọng trong giai đoạn tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách đột phá để phát triển giáo dục.
Ôn lại truyền thống hào hùng của Nhà trường, Giáo sư Hiệu trưởng nhấn mạnh: Cách đây 70 năm, ngày 11/10/1951, một quyết định tuyệt vời, mang tầm chiến lược đã để lại cho đất nước này một trường đại học mà mọi người dân qua nhiều thế hệ vẫn luôn nhắc đến, nhớ đến, nghĩ đến, dành tình yêu quý và đặt rất nhiều kỳ vọng, đó là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thân yêu của chúng ta ngày nay. Xa hơn, gốc rễ hơn, đó là Sắc lệnh số 45 ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Ban Đại học Văn khoa để đào tạo Giáo sư bậc trung học, chỉ sau Tuyên ngôn Độc lập hơn một tháng, điều mà nằm ngoài sức tưởng tượng của rất nhiều người, khi mà một Nhà nước mới ra đời, các loại giặc bao quanh, dân ta phần đông là mù chữ. Hôm nay đây, khi đã có độ lùi về thời gian, chúng ta càng thấm thía hơn ý nghĩa lớn lao của Sắc lệnh này, khắc sâu hơn tư tưởng đi trước thời đại của Bác, để nguyện làm tốt hơn trọng trách vinh quang của mình về một nền giáo dục tiến bộ.
Tổng kết bài học và những di sản mà các thế hệ tiền bối để lại cho thế hệ hôm nay, Giáo sư Hiệu trưởng khái quát thành năm bài học quý giá, đó là: bài học về lòng yêu nước, đức tính phụng sự, đức hi sinh vô bờ bến của trí thức chân chính; bài học về khát vọng khởi tạo một nền giáo dục tiến bộ của một đất nước độc lập, tự do; bài học về dám nghĩ, dám làm vì sự tiến bộ, vì lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước; bài học về sự tự học, tự nghiên cứu - con đường phát triển tốt nhất cho mỗi người; bài học về sự gắn bó keo sơn giữa nghiên cứu, đào tạo khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Giáo sư Hiệu trưởng cho rằng, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường ĐHSP Hà Nội diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: sự định vị của giáo dục Việt Nam, của đại học Việt Nam, tọa độ của khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Từ đó, Giáo sư nhấn mạnh: Nghĩa vụ của chúng ta trong thời đại mới là giáo dục để các thế hệ học sinh giữ vẹn nguyên tâm hồn Việt, bằng cách định hình các giá trị cao quý của dân tộc; tạo dựng những con người có tư duy độc lập, hành động thông minh, có ý chí tự cường, dám dấn thân vì khát vọng cao cả và bản lĩnh đi tới tương lai. Chúng ta nhớ rằng, những gì đang diễn ra trong trường học hôm nay, sẽ là tương lai của xã hội ngày mai. Để làm được điều này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã, đang và sẽ xây dựng mô hình quản trị mới, cải tiến và cập nhật chương trình đào tạo, cách thức đào tạo hiện đại, trên nền tảng công nghệ số; xây dựng một môi trường học thuật thoáng đãng, văn minh, hiện đại; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, tạo cơ sở lý luận vững chắc để cải thiện chất lượng giáo dục; mạnh dạn đề xuất các cơ chế để những tài năng sư phạm hội tụ về đây được phát triển và cống hiến, để đào tạo ra các sinh viên đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời đại mới. (Toàn văn bài phát biểu của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội GS.TS. Nguyễn Văn Minh tại buổi Lễ xem TẠI ĐÂY).
Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới các thế hệ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên, sinh viên, học sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhân sự kiện quan trọng, đầy ý nghĩa này. Chủ tịch Nước nhấn mạnh, 70 năm phát triển của Trường là 70 năm đóng góp trọn vẹn cho đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và xã hội ghi nhận vai trò là máy cái của ngành sư phạm cả nước; là nơi khởi xướng nhiều sáng kiến, đi đầu trong nhiều phong trào giáo dục và đào tạo của cả nước.
Chủ tịch Nước cũng nhắc lại những điểm sáng, dấu ấn lớn, cống hiến quan trọng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong công tác giáo dục sinh viên. Đây là nơi khởi nguồn của phong trào "Ba sẵn sàng" (năm 1964), là nơi đầu tiên phát động phong trào xây dựng các “Tập thể học sinh, sinh viên xã hội chủ nghĩa”. Nơi đây cũng là địa chỉ đỏ trên bản đồ giáo dục và đào tạo tài năng trẻ cho đất nước với các huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi Olympic khu vực và Quốc tế của học sinh chuyên.
Chủ tịch Nước chỉ đạo, trong thời gian tới, để nâng cao vị thế, uy tín và đóng góp thiết thực, quan trọng và xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp giáo dục của đất nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Cán bộ giảng viên của Nhà trường trước hết phải là những tấm gương về đạo đức nghề nghiệp, về tự học và sáng tạo; có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp dạy học hiện đại, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy và có năng lực chủ động hội nhập.
2. Tập trung hoàn chỉnh cả về mô hình và cơ chế của trường đại học sư phạm trọng điểm trên cơ sở thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của cả nước; đảm bảo giữ vững chất lượng và khẳng định vị thế của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trọng điểm quốc gia.
3. Tích cực tham gia vào công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giảo dục phổ thông để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29- NQ/TW.
4. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tăng cường rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là những người vừa hồng vừa chuyên, yêu nước, yêu nghề, yêu trẻ; sáng tạo và cống hiến cho công việc, cho cộng đồng trong môi trường hội nhập quốc tế.
Trong không khí trang trọng của buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước đã gắn Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai) lên lá cờ truyền thống vinh quang của Nhà trường và trao quyết định tặng danh hiệu cao quý này cho Tập thể lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phát biểu đại diện cho các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường, cô giáo Kiều Phương Thùy - giảng viên khoa Công nghệ thông tin đã thể hiện lòng tự hào, sự tự nguyện đóng góp vào sự nghiệp trồng người cũng như niềm tin mãnh liệt vào sự phát triển của Nhà trường trong tương lai.
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là dịp để Nhà trường cùng nhìn lại quá trình phát triển và những dấu ấn của mình trên hành trình cùng giáo dục Việt Nam. Diễn văn kỷ niệm của Giáo sư Hiệu trưởng và bài phát biểu của Chủ tịch Nước đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về những trang sử đầy tự hào của Trường, về trách nhiệm to lớn của thế hệ hôm nay. Trong hành trình trước mặt, với sứ mệnh đặc biệt, nhiệm vụ cao cả ở một tầm mức khác trước mà Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên, học sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cảm nhận được trách nhiệm lớn của những người kế tục. Từ đó, trên cương vị và nhiệm vụ của mình, mỗi thầy cô, cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên, học sinh của Trường cần phải lao động, học tập, nỗ lực không ngừng nghỉ để tiếp bước xứng đáng với truyền thống đặc biệt vẻ vang của Trường, tiếp tục viết lên những trang sử mới xuất sắc hơn sau 70 năm, đóng góp lớn hơn, hiệu quả thực chất hơn cho sự nghiệp trồng người để góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa tươi đẹp, hùng cường như mong muốn của Bác Hồ.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ:
Toàn cảnh buổi Lễ.
GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm thành lập Trường.
Cô giáo Kiều Phương Thùy, giảng viên chính khoa Công nghệ thông tin, giảng viên tiêu biểu cấp Bộ năm 2021 của Nhà trường phát biểu cảm tưởng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thăm Phòng truyền thống; trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai) cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
* Tin bài liên quan tới sự kiện Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai:
Tin bài: Thu Hoài - Hồ Lưu
Ảnh: Tiến Tuấn - Lê Linh
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập ngày 11/10/1951, tiền thân là Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều lần đổi tên, song hành cùng lịch sử của đất nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay có 23 khoa, 2 bộ môn trực thuộc, 2 trường phổ thông, 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 phân hiệu. Trường còn có nhiều Viện, Trung tâm nghiên cứu với gần 700 giảng viên, nghiên cứu viên trên tổng số hơn 1.000 cán bộ. Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển và cống hiến, tâp thể Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: + Huân chương Lao động hạng Ba (1961) + Huân chương Lao động hạng Nhì (1962) + Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1973) + 02 Huân chương Lao động hạng Nhất (1981, 2021) + Huân chương Độc lập hạng Nhì (1986) + 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996, 2016) + 02 Huân chương Hồ Chí Minh (2001, 2011) + Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2004) Nhiều khoa, bộ môn và các nhà giáo, nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý. Nhiều nhà giáo của Trường được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, các Giải thưởng Quốc tế. |