Mở đầu phong trào hào hùng nhất trong lịch sử Đoàn
Ông Vũ Hữu Loan hồi tưởng lại: Từ năm 1964, trong tình hình mới của đất nước, sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước được đặt lên hàng đầu và trở thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất, quan trọng nhất của nhân dân hai miền Nam - Bắc.
Yêu cầu cấp thiết của Trung ương Đoàn và Thành Đoàn Hà Nội lúc này là phát động một phong trào cách mạng mới, huy động được sức mạnh và thu hút sự tham gia đông đảo của thế hệ trẻ trên toàn miền Bắc, mà trước hết là ở Thủ đô.
Trong bối cảnh đó, với vị trí là một trong những cơ sở Đoàn lớn nhất trong khối các trường đại học ở Hà Nội, Đoàn trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phát động phong trào “Tam bất kì” với 3 nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến việc sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
“Tôi suy nghĩ rất lung khi anh Nguyễn Lam (Bí thư Trung ương Đoàn khi đó) nói: Cách mạng đã chuyển giai đoạn rồi. Đánh Mỹ là nhiệm vụ chính của đất nước. Các anh phải chuyển phong trào của thanh niên Hà Nội sang một phong trào cách mạng mới” - ông Loan tâm sự.
Và phong trào của ĐH Sư phạm Hà Nội mà đặc biệt là “Ba bất kì” đã gợi cho ông Loan suy nghĩ: Thành Đoàn Hà Nội phải có một phong trào thể hiện lí tưởng của thanh niên và thể hiện tầm suy nghĩ về thời đại mới.
Suy nghĩ đó trở thành chỉ thị cho Bí thư Đoàn Đại học Sư phạm Hà Nội Trịnh Ngọc Trình. Sau một cuộc thảo luận, Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tìm ra một cái tên thuần Việt thay cho “Ba bất kì”: phong trào Ba sẵn sàng”.
Chiều tối 30/4/1964, Ban Chấp hành Đoàn trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng” tại Nghĩa trang Mai Dịch. Ông Vũ Hữu Loan khi đó tham dự với vai trò dẫn đầu và đoàn đại biểu Thành Đoàn Hà Nội.
Ngay sau Lễ tuyên thệ, hơn 4.000 đoàn viên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với ngọn đuốc trên tay đã diễu hành biểu dương lực lượng từ Nghĩa trang Mai Dịch đến hồ Hoàn Kiếm rồi quay trở về Trường lúc nửa đêm. Ngay sáng hôm sau, hàng trăm đoàn viên đã viết những lá đơn bằng máu gửi lên cấp trên, tha thiết đề nghị được ra chiến trường.
Lời thề danh dự của tuổi trẻ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày 30/4/1964 tại Nghĩa trang Mai Dịch đã góp phần mở đầu cho một phong trào cách mạng rộng lớn nhất, sôi nổi nhất, hào hùng nhất trong lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam thế kỉ XX: phong trào “Ba sẵn sàng”.
Sức mạnh quật khởi của thanh niên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
Ông Vũ Hữu Loan nhớ lại: Tối 9/8/1964, tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng ở phố Hai Bà Trưng, Thành Đoàn Hà Nội chính thức phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong đoàn viên, thanh niên toàn thành phố.
Ông còn nhớ như in hình ảnh hàng chục vạn thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên Thủ đô rầm rộ xuống đường, diễu hành qua những tuyến phố mang tên các vị anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung,…
Ngay trong đêm ấy, cả Hà Nội sôi động, nhiều cơ sở Đoàn họp khẩn cấp, kêu gọi thanh niên tình nguyện “Ba sẵn sàng”; nhiều đơn vị, cá nhân và tập thể tình nguyện xin nhập ngũ, xin được đi đánh giặc ở bất cứ nơi nào mà Tổ quốc cần đến. Hàng nghìn thanh niên chuẩn bị nhập ngũ, nhiều người khai tăng tuổi, bỏ thêm gạch, đá vào người để được đủ cân”.
Ngay trong tuần đầu tiên phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, đã có hơn 80.000 thanh niên Hà Nội đăng kí nhập ngũ vào các lực lượng vũ trang, trong đó có hàng nghìn lá đơn được viết bằng máu. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, con số đăng kí nhập ngũ đã lên đến hơn 200.000 người.
Chỉ riêng trong năm 1965, đã có 15.329 thanh niên Hà Nội gia nhập quân đội, là năm có số thanh niên nhập ngũ cao nhất trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Từ thành công và hiệu quả bước đầu của phong trào “Ba sẵn sàng” ở Hà Nội, ngay sau đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam chính thức phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trên toàn miền Bắc.
Khí thế Ba sẵng sàng nhanh chóng lan rộng tới tất cả các cơ sở Đoàn ở các đơn vị, địa phương trên cả nước và trở thành sức mạnh quật khởi của thanh niên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Nguồn: Hải Bình(GĐTĐ)