Ngày 21/4/2011, nhân dịp kỷ niệm 141 năm ngày sinh V.I.Lênin (22.4.1870 - 22.4. 2011), được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban chủ nhiệm Khoa Giáo dục Chính trị, Ban chấp hành Liên Chi đoàn và Hội sinh viên Khoa đã tổ chức đưa sinh viên năm thứ nhất tới Tượng đài V.I.Lênin tại Hà Nội, dâng hoa tưởng nhớ Người. HNUE xin giới thiệu bài viết của ThS.Nguyễn Bá Cường về cuộc đời và sự nghiệp của V.I.Lênin.
Có những sự kiện quan trọng được hiện diện như một sự tương hợp hiếm gặp trong lịch sử lại diễn ra ở Việt Nam vào những ngày Tháng Tư lịch sử này. Trong không khí tưng bừng của ngày hội non sông chào mừng kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chúng ta chân thành tưởng nhớ đến V.I.Lênin vĩ đại - Nhà hoạt động chính trị kiệt xuất, nhà triết học lỗi lạc, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân Quốc tế, Người đã phát triển và hiện thực hoá chủ nghĩa Mác, “linh hồn” của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, thành lập nhà nước Xô-Viết, một trong những vĩ nhân xuất sắc nhất của lịch sử nhân loại. Dưới ánh sáng tư tưởng của Người, nhân dân Việt Nam anh hùng đã giành được độc lập dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thế kỷ XX và hiện nay, nhân loại đã, đang và sẽ chứng kiến sự đổi thay của lịch sử đã có sự tham gia to lớn của "con người thực sự hoàn thiện và vĩ đại" này. Nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới tưởng niệm Lênin với lòng kính trọng, chân thành, tình cảm nồng nhiệt cháy bỏng của trái tim, sự thôi thúc của lý trí và vì thế, đòi hỏi chúng ta phải đi sâu nắm chắc những giá trị cơ bản, bền vững cũng như phát triển sáng tạo học thuyết của Người để phục vụ cho cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của thời đại: Hoà bình, Độc lập, Dân chủ, Công bằng và Tiến bộ xã hội.
V.I Lênin, tên đầy đủ là Vlađimia Ilích Ulianốp (Vladimir Ilits Ulianov), sinh ngày 22 tháng Tư 1870 tại thành phố Simbirsk (nay là Ulianovsk) nằm trên bờ sông Vonga thơ mộng của nước Nga. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức tiên tiến, tuổi thơ của Người được ảnh hưởng rất lớn bởi sự giáo dục tích cực, tiến bộ và chu đáo của bố mẹ.
Năm 1887, Lênin tốt nghiệp xuất sắc trường Trung học và được nhận Huy chương Vàng, sau đó được tuyển thẳng vào học khoa Luật tại trường Đại học Tổng hợp Kazan. Tháng Chạp năm đó, do tham gia hoạt động cách mạng nên Lênin bị đuổi học. Nhưng với tinh thần, ý chí và nghị lực rất cao trong việc tự học, chỉ trong vòng hai năm miệt mài đèn sách, Lênin đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa Luật - Đại học Tổng hợp Kazan với tư cách là thí sinh tự do. Từ năm 1893 - 1899, Lênin được thừa nhận là người lãnh đạo nhóm mácxít ở Nga. Mùa thu 1895, Lênin thành lập và lãnh đạo Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Cuối năm 1895 - 1899, Lênin bị bắt và bị lưu đày tại miền Đông Sibir, Người đã viết hơn 30 tác phẩm, trong đó có cuốn sách đồ sộ là "Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga". Năm 1900, hết thời hạn lưu đày, Lênin lại hăng hái bắt tay vào việc thành lập Đảng công nhân. Do tình hình trong nước rất khó khăn cho cách mạng nên Người phải ra nước ngoài để hoạt động. Lênin cùng với Plekhanov lập tạp chí "Tia lửa" và bí mật đưa về nước để tuyên truyền đường lối cách mạng. Từ năm 1903 - 1905, là người đứng đầu Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga, Lênin tập trung vào việc xây dựng một đảng kiểu mới - đảng Bolshevik.
Tháng Mười Một 1905, Lênin bí mật trở về Peteburg để lãnh đạo cách mạng nước Nga. Từ tháng Chạp 1907, ông sống ở nước ngoài, tiếp tục lãnh đạo và đấu tranh bảo vệ, củng cố Đảng hoạt động bí mật. Người luôn xác định: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Vì thế, thời gian trước và trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, để tìm cơ sở lý luận cho cách mạng, Lênin dành thời gian để đọc rất nhiều tác phẩm lý luận, triết học. Người đã xây dựng và bảo vệ lý luận cách mạng trong nhiều tác phẩm lớn, như: "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán", "Luận cương mácxít về vấn đề dân tộc", "Bút ký triết học", "Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản",... Khẩu hiệu "Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-Viết" được Người nêu lên trong "Luận cương Tháng Tư", trình bày tại Petrograd ngày 16/4/1917. Đầu Tháng Mười 1917, Lênin bí mật từ Phần Lan về nước lãnh đạo cách mạng. Ngày 23 Tháng Mười, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang do Lênin đề ra được Trung ương Đảng thông qua. Tối ngày 6 đến rạng sáng ngày 7 Tháng Mười Một 1917, Lênin trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa tại cung điện Smolnưi. Ngay trong đêm ngày 7 Tháng Mười Một,Cách mạng toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân (“Từ đáy bùn đen của xã hội, nhân dân lên nắm quyền làm chủ”-Lênin). Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời. Lênin được Đại hội các Xô-Viết toàn Nga lần thứ II bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân uỷ.
Sau Cách mạng Tháng Mười, Lênin tiếp tục lãnh đạo công cuộc cải tạo và xây dựng đất nước. Năm 1919, Người sáng lập Quốc tế Cộng sản. Những năm 1920 - 1923, Lênin soạn thảo và tiến hành kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người lập ra Kế hoạch điện khí hoá toàn nước Nga, đề ra Chính sách Kinh tế mới (NEP) và đưa ra nhiều đường lối cách mạng đúng đắn làm cho nước Nga ngày càng ổn định và phát triển theo chủ nghĩa cộng sản.
Ngày 21 tháng Giêng 1924, hồi 6 giờ 50 phút tối, tại làng Gorki gần Moskva, Lênin - bộ óc vĩ đại ngừng suy nghĩ, trái tim nồng thắm yêu thương giai cấp cần lao ngừng đập. Thi hài của Người, sau đó được lưu giữ ở Lăng tại Quảng trường Đỏ - Thủ đô Moskva.
Với trí tuệ uyên bác trên nhiều lĩnh vực, với tư duy khoa học sáng tạo và năng lực thực tiễn không mệt mỏi, Lênin đã kiến tạo một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, đóng góp to lớn đối với công cuộc cách mạng theo con đường xã hội chủ nghĩa. Kế tục sự nghiệp của Mác và Ăngghen, Lênin đã phát triển một cách tài tình cả ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác, đã giải thích đúng đắn về lý luận cũng như về thực tiễn các vấn đề đặt ra cho cách mạng vô sản.
Con đường cách mạng XHCN hình thành, phát triển và được kiểm nghiệm qua thực tiễn sinh động của Cách mạng Tháng Mười, cũng như của Liên Xô sau đó, đã có sức lan toả, ảnh hưởng mạnh mẽ, cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân loại tiến bộ và lôi cuốn hàng triệu, hàng triệu người trên thế giới đi theo. Dưới ánh sáng của học thuyết Lênin, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển sôi động, phong trào giải phóng dân tộc dâng cao ở khắp các châu lục Á, Phi, Mỹ La-tinh. Hơn 100 quốc gia vốn là thuộc địa, nửa thuộc địa và phụ thuộc chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân đã được giải phóng, đưa độc lập dân tộc trở thành chân giá trị phổ biến mang tính thời đại.
Tiếp thu chân lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm được con đường giải phóng và chấn hưng dân tộc Việt Nam. Người đã sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta - lực lượng tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Với thành quả của hơn 25 năm đổi mới, trong thế và lực mới, với sức mạnh quật cường và truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc ta, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển bền vững chắc chắn thành công.
Đối với nhân dân Việt Nam và tất cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới, V.I.Lênin vĩ đại vẫn sống và sẽ sống mãi. Những tư tưởng của Người nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp mãi mãi là ngọn đuốc sáng ngời dẫn dắt giai cấp cần lao và nhân loại tự giải phóng mình để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tâm trí và tình cảm của nhân loại tiến bộ sẽ lưu giữ mãi hình ảnh của Lênin - Lãnh tụ, Người thầy, Người bạn, Người đồng chí mẫu mực - “Người có tâm hồn trong như pha lê, khiêm tốn và giản dị đến tuyệt vời, có ý chí và nghị lực cách mạng không bao giờ cạn, có tính nguyên tắc cao, có tinh thần hy sinh cao cả vì sự nghiệp giải phóng nhân loại, không khoan nhượng đối với bọn bóc lột, với kẻ thù của giai cấp vô sản và có lòng thương yêu vô bờ bến đối với những người lao động”. Lênin - "một người thực sự hoàn thiện và vĩ đại", là biểu tượng của Hoà bình, Độc lập, Tự do, Công bằng, Dân chủ, Tiến bộ xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản. Tên tuổi, sự nghiệp, học thuyết và tình yêu của Người sẽ sống mãi muôn đời!
Nguyễn Bá Cường, Khoa GDCT
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁN BỘ VÀ SINH VIÊN KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ
DÂNG HOA TƯỞNG NHỚ V.I.LÊNIN VĨ ĐẠI