Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn vừa từ biệt chúng ta ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trong niềm thương tiếc một người anh lớn, một người đồng chí, đồng nghiệp tiền bối quý mến, tôi ôn lại một vài kỷ niệm về anh có ảnh hưởng sâu sắc đối với cuộc đời tôi.
1. Tôi là cấp dưới của anh tại Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm học 1965 - 1966, tôi là phó chủ nhiệm của anh cùng với các anh Nguyễn Văn Hạnh, Trần Văn Thận (nay đã mất), đó là thời gian chiến tranh.
Lãnh đạo và quản lý khoa ngày ấy tất nhiên khác nhiều với bây giờ. Thiếu thốn, khó khăn và nguy hiểm hơn. Nhưng chúng tôi được sự chỉ đạo của trên sau đó được đúc kết trong thư 15-10-1968 của Bác Hồ: Một là thầy trò thường xuyên nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu miền Nam; hai là dù khó khăn đến mấy cũng thi đua học tốt, dạy tốt, không được giảm thấp chất lượng; ba là cùng nhau tổ chức đời sống vật chất và tinh thần lành mạnh, vui tươi, bảo đảm tuyệt đối sức khỏe và an toàn.
Anh Lê Trí Viễn là trụ cột của chúng tôi để thực hiện 3 nhiệm vụ đó. Tôi mới được giao nhiệm vụ quản lý, cứ theo anh mà làm, có gì không biết thì hỏi anh. Thế rồi công việc cũng trôi chảy, việc chung việc riêng đều được tiến bộ. Tôi thấy nhiều người vừa ưa anh Viễn vừa không thích anh. Nhiều người thấy anh tính khí bất thường. Có khi đối với anh em rất tình cảm, thân ái, có khi lại rất chặt chẽ, riết róng.
Làm việc gần anh tôi thấy anh là người rất tao nhã, dịu dàng, yêu văn chương và dạy văn chương rất hay, thật lòng yêu cán bộ và sinh viên. Những khi “lâm sự”, có những công việc rất khó khăn trong hoàn cảnh lúc bấy giờ thì anh thường tỏ ra nghiêm khắc, những cán bộ, sinh viên nào “lơ mơ” thì “khó chịu” với anh, vì sự đòi hỏi cao của anh trước nhiệm vụ được giao mà họ phải làm hay làm không tới nơi tới chốn. Chính tôi cũng có một số lần vấp phải điều đó, song tôi vốn cần mẫn và dễ tính nên dễ cho qua. Mà cũng bởi anh không chỉ đòi hỏi người khác mà sự đòi hỏi chính mình, luôn luôn gương mẫu làm trước nên không ai nói gì được anh.
Tôi nhớ một lần cả khu khoa chúng tôi sơ tán bị vùi dập trong bão lớn, các căn nhà tạm của cán bộ, sinh viên bị bão đánh tơi bời, cả thầy trò lăn lưng đội mưa chống bão, mọi người thấy chính thầy chủ nhiệm khoa trèo lên mái nhà buộc tranh chống dột, giăng dây thép chống gió dữ toan xô sập căn nhà. Sau đó, cán bộ, sinh viên đều nhìn thầy lãnh đạo với cái nhìn nể trọng, thấy trong khó khăn người lãnh đạo không hề đứng đằng sau để “chỉ tay năm ngón”.
Qua mấy lần lên thượng du, xuống đồng bằng sơ tán, chúng tôi nghiệm thấy ở anh Viễn hai đức tính kết hợp với nhau: ở anh, tình thương yêu trong hoàn cảnh chiến tranh gắn liền với trách nhiệm, phải tổ chức và dẫn đầu mọi người vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ thì đó mới là tình thương yêu thật sự. Anh Viễn không chỉ có tình cảm mà còn có nghị lực và có tài tổ chức mọi người. Mới tập sự công tác, tôi nghiêm túc học tập ở anh điều đó và vận dụng trong nhiều trường hợp công tác sau này của mình.
Tôi biết muốn học tập anh, tôi phải tự vượt qua chính mình. Cho đến hôm nay, cúi đầu tiễn đưa anh, tôi tưởng niệm hình ảnh của anh ngày ấy. Ngày ấy tôi mới ngoài 30 tuổi còn anh hơn 45. Hơn nửa thế kỷ đã đi qua trong cuộc đời chúng ta, anh Viễn ơi...
Giáo sư Lê Trí Viễn (trái) tại lễ thượng thọ 90 tuổi của giáo sư được tổ chức ở Trường ĐH Sư Phạm TPHCM.Ảnh: T.L. |
2. Trên đây là kỷ niệm “thời trai trẻ”. Sau đây, là một chút kỷ niệm khi về già. Anh Viễn biết tính tôi, các nhược điểm của tôi, nên có dịp thường nhắc khéo tôi. Còn tôi cũng biết nhược điểm của anh và cũng thường trêu chọc anh. Nhớ lại năm 1992, nhân dịp Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TPHCM họp ban chấp hành mừng thọ hai giáo sư Hoàng Như Mai và Lê Trí Viễn cùng qua bát tuần. Tôi làm một cuộc “đố thơ” như sau: Tôi đưa ra hai bài thơ, một bài tặng Giáo sư Hoàng Như Mai và một bài tặng Giáo sư Lê Trí Viễn, song không nói bài nào tặng giáo sư nào để mọi người đoán. Hai bài thơ đó như sau:
Bài thứ nhất:
Cuộc thế nhiều phen thấy bể dâu
Đất trời phơ phất chút mày râu
Tình nhà nợ nước lòng chưa nhẹ
Chẳng khách công danh cũng bạc đầu
Bài thứ hai:
Thời gian trêu ghẹo khách đa tình
Tám chục xuân đời tóc vẫn xanh
Vẫn nụ cười duyên thời trai trẻ
Vẫn hồn thi sĩ, dáng thư sinh
Anh Hoàng Như Mai vốn là người hài hước, vội nói ngay: “Bài thứ hai chính là bài tặng cho tôi”. Mọi người đều cười rộ, vui vẻ. Anh Lê Trí Viễn cười vui. Nhưng sau đó anh gặp riêng cảm ơn tôi và tỏ ra thích thú với bài thơ.
Tôi biết anh cũng giống như anh Xuân Diệu, thích mình luôn luôn trẻ, không thích già, thích mình mãi mãi là chàng trai đa tình, bất chấp tuổi tác. Anh cũng thích hai câu thơ chữ Hán của tôi trong bài viết tặng anh cũng nhân anh thọ 80 tuổi:
Thi dục văn chung tại nhất sinh
Đa tình chính thị tống thâm tình...
(Một đời anh được chung đúc bằng thơ văn/Đa tình đấy chính là rất thâm tình).
Và anh đã họa lại cả bài thơ của tôi với hai câu đầu là:
Dĩ ký văn chương thác nhất sinh
Phong xuy vũ đã cảm vong tình...
(Đã đem văn chương ký thác cho một đời/Dù gió táp mưa sa dám đâu quên tình).
Quả thật, rút cuộc, tôi nghĩ đó chính là con người anh. Tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc, tình yêu nhân dân và tình yêu của người nghệ sĩ trong anh như Nguyễn Công Trứ, như P.Picasso là động lực mạnh mẽ của cuộc đời anh. Dù sức khỏe của anh rất mảnh mai, thường xuyên đau ốm mà vẫn dẻo dai đến suốt cuộc đời. Cho nên không lạ gì cho đến tận lúc chia tay với cuộc đời, anh vẫn cật lực làm về giáo dục và khoa học. Vừa lãnh đạo trực tiếp Trường THPT Nguyễn Khuyến hàng năm đạt 100% tốt nghiệp và 100% thi đậu đại học, đồng thời thực hiện các công trình khoa học và Toàn tập Lê Trí Viễn 6.000 trang, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ở tuổi 95.
Cái “ngọn lửa Lê Trí Viễn” ấy đượm cháy cho đến tuổi 90 và bùng cháy lên rồi vụt tắt khi 95 tuổi, để lại ánh sáng cho người còn sống và người đời sau, nhất là các đồng nghiệp, đồng chí và học trò của anh còn mãi mãi thương nhớ anh.
TPHCM, ngày 3-2-2012
TRẦN THANH ĐẠM