Năm 1951, Giáo sư Đào Văn Tiến giảng dạy tại Trường khoa học cơ bản và Trường Sư phạm cao cấp ở Tuyên Quang (sau chuyển sang Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc). Năm 1954, hòa bình lập lại, miền Bắc được giải phóng, Trường Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập tại Hà Nội. Ông trở về giảng dạy tại Khoa khoa học tự nhiên. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập từ Đại học Sư phạm. Giáo sư tiếp tục giảng dạy tại Khoa Sinh học - Đại học Tổng hợp Hà Nội.
GS. Đào Văn Tiến sinh năm 1920 tại thành phố Nam Định trong một gia đình nho học trọng lễ nghĩa. Cụ thân sinh ra Ông rất thương yêu con, nhưng cũng rất nghiêm khắc với con. Nề nếp gia phong đã rèn luyện Ông ngay từ tấm bé, tạo nên đức tính chuyên cần, nghiêm túc trong học tập và cả cuộc đời lao động khoa học sau này.
|
Năm 1942, khi còn là sinh viên, Ông đã bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học cùng đồng nghiệp Việt Nam là ông Đặng Vũ Kha dưới sự hướng dẫn của GS Boris Noyer, người phụ trách Phòng thí nghiệm sinh học và y học, Trường đại học Đông Dương. Đó là công trình nghiên cứu về máu loài ba ba và sử dụng tim của nó trong sinh lý học, đã được công bố trên Tạp chí khoa học của Trường đại học Đông Dương năm 1943. Năm 1944 ông tốt nghiệp cao học về động vật học ở Trường này và ở lại làm phụ giảng.
Năm 1945, Ông viết cuốn sách “Danh từ khoa học - phần vạn vật học”. Nội dung cuốn sách là chuyển đổi các danh từ vạn vật học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, nhằm mục đích giúp người học dễ dàng tiếp thu kiến thức khoa học bằng tiếng mẹ đẻ. Đây là tập sách thứ hai đối chiếu tiếng Pháp và tiếng Việt về sinh học, sau cuốn Danh từ thực vật của hai kỹ sư nông học Nguyễn Hữu Quán và Lê Văn Căn.
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo tiếng gọi của Tổ quốc Ông lên chiến khu Việt Bắc, phục vụ trong Cục quân y và tham gia giảng dạy ở Trường quân y sĩ. Đến năm 1951 Ông giảng dạy tại Trường khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp ở Tuyên Quang (về sau Trường này chuyển sang Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc).
Năm 1954, hòa bình lập lại, miền Bắc được giải phóng, Trường đại học sư phạm khoa học được thành lập tại Hà Nội. Ông trở về giảng dạy tại Khoa khoa học tự nhiên. Năm 1956 Trường đại học sư phạm khoa học tách thành 2 trường: Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học tổng hơp Hà Nội. Ông tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trở thành chủ nhiệm Khoa sinh học (Trường đại học tổng hợp Hà Nội, nay là Trường đại học khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội).
Trong suốt thời gian công tác, Ông luôn là nhà sư phạm mẫu mực, nhà khoa học cần cù, trung thực và nghiêm túc. Ông đã đào tạo hàng ngàn sinh viên, hàng chục tiến sĩ chuyên ngành động vật. Nhiều người đã trở thành những nhà khoa học đầu đàn phụ trách các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học ở trung ương cũng như ở các địa phương trong cả nước. Ông luôn tâm đắc với câu nói của GS Hồ Đắc Di: “Ở đại học không chỉ dạy nghề mà còn phải dạy người” và Ông đã thực hiện được điều tâm đắc đó. Sau những chuyến đi thăm và làm việc ở nước ngoài, Ông thường viết về công tác đào tạo cán bộ khoa học ở các nước đó. Ông đã viết trên 20 bài báo về giáo dục thanh niên, nhất là thanh niên làm công tác nghiên cứu khoa học. Những bài báo này đã góp tiếng nói cho việc đổi mới công tác đào tạo đại học của nước nhà. Năm 1982, Ông đã viêt cuốn sách: “Khoa học hoá cách suy nghĩ, làm việc, học tập” với lời đề tặng các bạn thanh niên, niềm hy vọng của đất nước.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, từ những năm 60 của thế kỷ trước Ông đã định hướng vào công việc thống kê nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, đặc biệt là động vật hoang dã. Ông cùng GS Đặng Văn Ngữ trực tiếp chủ trì về điều tra động vật, côn trùng và ký sinh trùng các tỉnh miền Bắc. Ông đã cùng các đoàn khảo sát đặt chân đến các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, KonTum... Ông đã phát hiện, mô tả nhiều loài động vật mới cho khoa học như: Voọc Hà Tĩnh... Ông là người đầu tiên viết các khoá tra cứu phân loại các nhóm động vật: Ếch nhái, thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu và chuột của Việt Nam. Những tài liệu này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông đã viết hàng trăm bài báo về nguồn tài nguyên động vật hoang dã, sinh thái, sinh học, tập tính các loài động vật Việt Nam. Đặc biệt, “Khảo sát thú các tỉnh miền Bắc Việt Nam” là cuốn sách không thể thiếu được đối với các nhà nghiên cứu về thú. Nhiều bài viết của Ông mang tính chiến lược: Tình hình và xu thế hiện đại của khoa học sinh thái học động vật; Cách mạng khoa học kỹ thuật trong sinh vật học hiện đại; Các ngành sinh vật học với nhiệm vụ cách mạng; Triển vọng của ngành sinh vật học Việt Nam...
Ông là người quan tâm tới vấn đề môi trường rất sớm. Ngay khi đất nước còn đang trong chiến tranh, Ông đã có báo cáo: “Một vấn đề lớn về môi trường đặt ra ở miền Nam Việt Nam” tham gia hội thảo quốc tế về bảo vệ môi trường tại Hereeo Novi tháng 4/1974. Về vấn đề môi trường, Ông đã viết loạt bài: Về một kế hoạch phát triển giáo dục môi trường ở Việt Nam; Thực hiện cho được giáo dục môi trường ngoài nhà trường... Về bảo vệ thiên nhiên, Ông viết hàng loạt bài đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước: Về việc xây dựng các vườn quốc gia và khu dự trữ thiên nhiên; Con người và thiên nhiên; Quy hoạch và quản lý rừng của đất nước; Một số suy nghĩ về xây dựng và phát triển kinh tế miền núi Tây Bắc Việt Nam; Vài suy nghĩ về trồng cây gây rừng; Tình trạng nguồn lợi động vật hoang dại ở Việt Nam...
Ông có quan hệ với các nhà khoa học của 25 nước trên thế giới. Ông là thành viên của Tổ chức nghiên cứu thú quốc tế (ITC), Tiếp xúc viên địa phương của Hội khỉ hầu quốc tế; Chủ tịch danh dự Tổng hội sinh học Việt Nam; Hội viên danh dự Hội nghiên cứu thú toàn Liên bang Xô viết (trước đây). Ông đã tham gia giảng dạy tại Trường đại học Paris 7, Đại học sư phạm Phnông Pênh; chuyên gia giáo dục Madagasca.
GS Đào Văn Tiến mất ngày 3/5/1995 thọ 75 tuổi. Ghi nhận công lao to lớn của Ông, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Ông nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý: Giáo sư (1980), Huân chương lao động hạng 3 (1983), Nhà giáo nhân dân (1989). Đặc biệt tháng 9/1996, “Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam (1957-1980)” của Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Tạp chí hoạt động khoa
|
Giáo sư Đào Văn Tiến với công trình: Tập hợp các công trình điều tra cơ bản động vật học ở Việt Nam (1957 – 1980) |
Giáo sư Đào Văn Tiến đã có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành sinh học Việt Nam.
Trong các công trình của ông, nổi bật là tập hợp các công trình điều tra cơ bản động vật học ở Việt Nam, được tập trung trong các tác phẩm: “Khảo sát thú miền Bắc Việt Nam” (1969), “Động vật học có xương sống” (1971), “Hỏi đáp về động vật” (1973) và các bài báo đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.
Giáo sư là người chỉ đạo chương trình “Điều tra cơ bản khu hệ động vật, ký sinh trùng và côn trùng ở miền Bắc Việt Nam”. Chỉ đọc tên những công trình của ông cũng có thể nhận ra những chuyến đi khảo sát thực địa ngang dọc đất nước của ông: “Nghiên cứu động vật ở Thái Nguyên” (1961) “Dẫn liệu về khu động vật Việt Nam” (1962), “Nghiên cứu nguồn tài nguyên thiên nhiên hồ Ba bể tỉnh Bắc Kạn” (1988), “Nghiên cứu nguồn tài nguyên sinh vật ở châu thổ Sông Hồng”(1959 – 1964) và vấn đề giải quyết trong tương lai”, (1964) “Sưu tập thú ở miền cực Bắc Việt Nam” (1965), “Ghi chú về một sưu tập thú nhỏ ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình” (1966)… Ông là người đầu tiên mô tả hai loài Voọc ăn lá là Voọc Hà Tĩnh và Voọc mào, là người đầu tiên tìm thấy loài phụ vượn đen tuyền ở vùng đồng bằng sông Hồng và vùng biên giới Đông Bắc giáp Trung Quốc.
Giáo sư Đào Văn Tiến sinh năm 1920, tại Nam Định, mất năm 1995. là Nhà giáo Nhân dân, cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Giáo sư thỉnh giảng các trường đại học Paris (1979), Phnômpênh (1981), Antanarivo (1983), Chủ tịch danh dự Hội Sinh vật học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Nghiên cứu Quốc tế (IIG)…được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
|
Giáo sư Đào Văn Tiến
|
|
Giáo sư Đào Văn Tiến (người ngồi giữa) cùng các thế hệ đồng nghiệp
và học trò.
|
|
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ
Theo:http://news.vnu.edu.vn
|
GS Đào Văn Tiến, nhà sinh học bậc thầy
Là tác giả của hơn 100 công trình, người thầy của hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sinh học, ông hai lần được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Gia phong nghiêm cẩn
GS Đào Văn Tiến sinh ngày 23/8/1920 tại thành phố Nam Định trong một gia đình nho học thanh bạch, trọng lễ nghĩa. Ông cụ thân sinh rất yêu con nhưng cũng rất nghiêm khắc. Yêu cho vọt, ghét cho chơi - đó là nhan để một bài viết của Đào Văn Tiến đăng trên báo Khoa Học và Đời Sống số Tết Ất Hợi - 1995, kể về người cha của mình.
Có thể nói, ngay từ thuở nhỏ, nhờ cha gắt gao kèm cặp, cậu bé Tiến đã trau dồi được tính chuyên cần rất mực, luôn luôn tự ghép mình vào kỷ luật.
“Yêu cho vọt”, nói vậy thôi, chứ trong thực tế, ở gia đình, cậu Tiến chưa bao giờ bị cha dạy bằng roi vọt cả, tuy nhiên, ông luôn nghiêm khắc răn đe. Đến trường tiểu học, cậu học chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp. Trở về nhà, cậu được cha dạy cho một ít chữ Hán qua cuốn Tam tự kinh:
Ngọc bất trác bất thành khí
Nhân bất học bất tri lý...
(Ngọc không chuốt mài không trở thành đồ quý
Người không học hỏi không thấu hiểu đạo lý...)
Lẽ phải ấy thấm vào lòng cậu từ tuổi bé thơ. Có thể nói cuộc đời GS Đào Văn Tiến là tấm gương của một người làm khoa học không bao giờ ngừng nghỉ “chuốt ngọc”...
Không sờn lòng nản chí trên con đường dài học vấn, Đào Văn Tiến tốt nghiệp cử nhân vạn vật học (nay gọi là sinh học) khoá 1 Đại học Khoa học Hà Nội năm 1944, khi mới 22 tuổi, vào độ tuổi mà trong thời thuộc Pháp nhiều người chưa học xong bậc trung học. Rồi ông tốt nghiệp cao học về động vật học (nay gọi là thạc sĩ), công bố 5 công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp cùng GS B. Noyer, Đào Văn Tiến được giữ lại trường làm phụ giảng.
Nổi tiếng từ tuổi 25
Đầu thập niên 1940, GS Hoàng Xuân Hãn xuất bản tại Hà Nội cuốn Danh từ khoa học (phần toán, lý, hoá, cơ, thiên văn), mở ra khả năng giảng dạy các môn ấy bằng tiếng Việt ở bậc trung học và đại học. Nhà nghiên cứu trẻ Đào Văn Tiến mới 23 tuổi nhưng đã tự cảm thấy mình có thể soạn tiếp phần vạn vật học (sau này, gọi là sinh học). Ông liền đem ý nghĩ táo bạo đó trình bày một cách rụt rè dè dặt với thầy Hãn, không ngờ được thầy hết lòng khích lệ, cho mượn mấy cuốn từ điển khoa học Pháp - Hán của Vương Vân Ngữ và của C. Taranzano để tham khảo; lại còn hứa sẽ viết lời tựa cho cuốn sách sau này.
Để đọc được từ điển Pháp - Hán, Đào Văn Tiến bắt đầu học thêm chữ Hán tại nhà riêng của một cụ đồ. Dành tất cả các buổi tối cho việc làm sách, suốt hai năm trời, ông ít khi đi ngủ trước 1 giờ khuya. Sống kham khổ, làm việc căng thẳng, cho nên khi sách in xong, ông lăn ra ốm vì bị bệnh lao phổi.
Tháng 10/1945, chỉ hai tháng sau Cách mạng Tháng Tám, Tổng hội Sinh viên Cứu quốc xuất bản cuốn Danh từ khoa học (phần vạn vật học) gồm hơn 7.000 thuật ngữ thuần Việt và Hán - Việt.
Trong lời tựa, GS Hoàng Xuân Hãn viết:
“Tác giả là ông Đào Văn Tiến, một bạn trong đám thanh niên tốt nghiệp đầu tiên ở Đại học Hà Nội về vạn vật học (...). Các việc thiết thực trong bóng tối của các bạn thanh niên như Tiến, Chiển, Căn, Quán, Quảng, Thiền 1 đều là xứng với một phần nhiệm vụ của thanh niên phải đoàn kết mà kiến thiết nước Việt Nam độc lập.”
Chúng ta còn nhớ, ngay từ năm học 1945-1946, nhà trường của nước Việt Nam độc lập bắt đầu dạy tất cả các môn bằng tiếng Việt. Cùng với cuốn Danh từ khoa học (phần toán, lý, hóa, cơ, thiên văn) của GS Hoàng Xuân Hãn, tập sách của nhà nghiên cứu trẻ Đào Văn Tiến, 26 tuổi, về các thuật ngữ vạn vật học là một đóng góp có ý nghĩa mở đường.
Đêm 19/12/1946, mặc dù sức khoẻ chưa hồi phục, Đào Văn Tiến vẫn rời Hà Nội lên Việt Bắc, không chút phân vân. Ít lâu sau, ông khoác tấm áo vệ quốc quân màu lá rừng, giảng bài ở Trường Quân y sĩ Việt Bắc, cộng tác với BS Đỗ Xuân Hợp biên soạn thuật ngữ giải phẫu học. Năm 1951, ông lại một phen trèo đèo lội suối sang tận vùng ngoại thành Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), góp phần xây dựng Khu Học xá trung ương của Trường Khoa học cơ bản và Trường Sư phạm cao cấp.
Tiến hành nhiều nghiên cứu rộng lớn
Trở về giữa Hà Nội giải phóng khi mới 35 tuổi, ông hoạch định và chỉ đạo một chương trình khoa học rộng lớn, tiến hành trong nhiều năm: Điều tra cơ bản khu hệ động vật, ký sinh trùng và côn trùng ở miền bắc Việt Nam. Ông trực tiếp nhận phần nghiên cứu các loài thú, và tự mình tổ chức nhiều đợt đi khảo sát thực địa khắp miền bắc nước ta.
Hơn 20 năm làm việc cần mẫn, ông đã phát hiện 10 dạng động vật mới ở Việt Nam, và là người đầu tiên mô tả 2 loài phụ voọc ăn lá là voọc Hà Tĩnh và voọc mào, tìm thấy lần đầu tiên loài phụ vượn đen tuyền ở vùng đồng bằng sông Hồng và vùng biên giới đông-bắc giáp Trung Quốc. Cuốn Khảo sát thú ở miền bắc Việt Nam của Đào Văn Tiến và cuốn Bước đầu xác định các loài thú ở miền nam Việt Nam của Van Penen được coi là hai cuốn sách gối đầu giường đối với bất cứ ai muốn đi vào lĩnh vực nghiên cứu này.
GS Đào Văn Tiến đã công bố hơn 100 công trình trên các tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Việt. Trong những năm chống Mỹ, ngành bưu chính - viễn thông ở miền bắc nước ta còn rất lạc hậu, chậm trễ, thế nhưng hàng trăm nhà sinh học ở 25 nước vẫn có quan hệ thư từ, trao đổi tài liệu với nhà động vật học Việt Nam nổi tiếng: từ Liên Xô (cũ), Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Áo, Italy, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand đến Canada, Argentina, Gabon, Ghana, Zaire, Nam Phi, v.v.
GS Đào Văn Tiến được mời làm Uỷ viên Uỷ ban Nghề cá miền tây Thái Bình Dương, Uỷ viên Uỷ ban Quốc tế Nghiên cứu động vật có vú, Hội viên danh dự Hội Nghiên cứu thú quốc tế, Hội viên danh dự Hội Nghiên cứu thú Liên Xô (cũ), Chủ tịch danh dự Tổng hội Sinh học Việt Nam, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Paris 7...
Để lại niềm tiếc thương sâu sắc
GS Đào Văn Tiến, Nhà giáo Nhân dân, người thầy của hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sinh học ở nước ta, trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9 giờ 7 phút ngày 3/5/1995 tại Hà Nội, sau một cơn nhồi máu cơ tim tái phát.
Trong lời điếu đọc tại lễ tang, GS Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói:
“Chúng ta mất đi một vị giáo sư, một nhà khoa học đầy uy tín, một người đồng nghiệp, người thầy mẫu mực, giản dị, liêm khiết và đáng quý mến vô cùng. GS Đào Văn Tiến ra đi, để lại cho chúng ta niềm tiếc thương vô hạn, lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc (…). Các công trình của ông không chỉ đóng góp cho sinh học Việt Nam, mà còn là tài sản chung của sinh học thế giới.”
Hơn 100 đoàn đại biểu các cơ quan, đoàn thể, các trường đại học và viện nghiên cứu đã đến giảng đường lớn Đại học Quốc gia Hà Nội để vĩnh biệt nhà sinh học bậc thầy.
Tên tuổi GS Đào Văn Tiến không chỉ quen thuộc trong giới khoa học.
Những năm chống Mỹ, cứu nước, đã có những anh lính trẻ trên đường Trường Sơn cãi nhau “toé khói” về tên con trăn “mắc võng” hay “mắt võng”? Anh này quả quyết là “mắt võng”, bởi lẽ trên lớp da loài trăn đó thấy vằn lên những nét thẫm hình quả trám như những cái mắt trên chiếc võng vẫn kẽo kẹt nơi quê nhà anh xa thẳm.
Anh kia bác lại với lý do “trữ tình, gợi cảm”: Thân hình con trăn uốn cong, trông cứ y như chiếc võng anh bộ đội hay o thanh niên xung phong vẫn mắc đêm đêm để ngủ giữa cây rừng Trường Sơn. Bất phân thắng bại! Cuối cùng, cả đơn vị đành gửi thư ra Hà Nội, nhờ GS Đào Văn Tiến giải đáp. Ông cho biết, phải gọi là “trăn mắt võng” mới đúng…
Bộ sách ba tập Hỏi đáp về động vật của Đào Văn Tiến thật lý thú và bổ ích. Có o thanh niên xung phong thời chống Mỹ quanh năm làm bạn với núi rừng, tìm đọc sách ông để hiểu tập tính kỳ quặc của những chú kỳ đà, cầy bay, cheo cheo, voọc quần đùi… mà o thường gặp dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Em bé người Dao ở tận bản xa Cao Bằng kể lại trên báo Thiếu Niên Tiền Phong rằng, nhờ đọc sách ông, em cảm thấy thương những chú cu cườm, sáo sậu, chích choè, chìa vôi…, và không còn nỡ đặt bẫy chim rừng như trước nữa.
Nhà văn Đoàn Giỏi, tác giả Đất rừng phương nam, Tê giác trong vườn xanh, kể lại nổi bực dọc của một “đấng làm ông” trước hàng nghìn câu hỏi hiếu kỳ hóc hiểm của đứa cháu nội gái quá tò mò.
“Buồn thay - Đoàn Giỏi viết - tôi chỉ là một nhà văn sơ thiển! Giá như tôi có được một phần nhỏ kiến thức của ông Đào Văn Tiến, nhà động vật học lỗi lạc đầu tiên thời thuộc Pháp, thì ắt con bé sẽ mê, sẽ phục ông nội nó phải biết!”
Nói chuyện với các cây bút trẻ về kinh nghiệm sáng tác của mình, nhà văn Tô Hoài, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký, cho biết:
“Hiểu biết của tôi về động vật là nhờ đọc những bài viết của GS Đào Văn Tiến”.
Nhận được tin buồn về sự qua đời của GS Đào Văn Tiến, GS Colin Groves ở Đại học Quốc gia Australia đã viết trên tạp chí Loboratory Primate Newsletter (Bản tin Phòng thí nghiệm Khỉ hầu), tập 34, số 3, tháng 7/1995:
“Thật khó lòng đánh giá hết vai trò quan trọng của con người lịch thiệp và chín chắn ấy trong lịch sử khoa học Việt Nam. Ông mất đi là một tổn thất lớn đối với tất cả chúng ta”.
GS Đào Văn Tiến đã được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam” và, sau đó ít năm, lại được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình tập thể Atlas Việt Nam.
1. Tức là: Đào Văn Tiến, Nguyễn Văn Chiển, Lê Văn Căn, Nguyễn Hữu Quán, Phạm Khắc Quảng, Lê Khắc Thiền.
Hàm Châu
Theo: bee.net.vn