Mùa hè năm 1956, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (nay là Trường ĐHSP Hà Nội) tổ chức kì thi tốt nghiệp đầu tiên dành cho sinh viên Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Trên một tấm áp phích lớn và cao treo ở dãy nhà đối diện với đại giảng đường, chúng tôi nhìn thấy tên tuổi đỏ chói của 10 sinh viên đại học văn khoa vừa tốt nghiệp, được xếp theo thứ tự thi đỗ từ trên xuống dưới… Trên cái bảng ghi tên dài dặc từ một quãng rất cao, tôi chú ý đến mấy cái tên: Hà Thúc Chỉ, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Văn Tâm…” (GS Nguyễn Huệ Chi)
THÚC HÀ – HÀ THÚC CHỈ NGƯỜI THẦY SE CHỮ LÀM THƠ
Mùa hè năm 1956, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (nay là Trường ĐHSP Hà Nội) tổ chức kì thi tốt nghiệp đầu tiên dành cho sinh viên Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. GS Nguyễn Huệ Chi, nguyên là sinh viên khóa I trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH & NV – ĐHQG Hà Nội) sau này nhớ lại không khí ngày hội thi năm ấy trong bài viết: “Văn Tâm như tôi nghĩ”, đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 10/7/2004 như sau:
“Trên một tấm áp phích lớn và cao treo ở dãy nhà đối diện với đại giảng đường, chúng tôi nhìn thấy tên tuổi đỏ chói của 10 sinh viên đại học văn khoa vừa tốt nghiệp, được xếp theo thứ tự thi đỗ từ trên xuống dưới… Trên cái bảng ghi tên dài dặc từ một quãng rất cao, tôi chú ý đến mấy cái tên: Hà Thúc Chỉ, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Văn Tâm…”
Đó là kì thi chung cho cả hai trường Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Văn khoa, mà theo lời kể lại của những nhân chứng lịch sử khóa đó, thì với Ban Văn học của trường Đại học Sư phạm Văn khoa, Hà Thúc Chỉ đỗ đầu, cùng đứng thứ hai là Nguyễn Duy Bình, thứ ba là Cao Huy Đỉnh và Nguyễn Đức Nga vì bằng số điểm thi tốt nghiệp, tiếp đến là Bùi Quang Đoài, Phan Kế Hoành, Ninh Viết Giao… Còn ban Văn học bên trường Đại học Văn khoa thì Phạm Hoàng Gia đỗ đầu, thứ hai là Cao Xuân Hạo, thứ ba là Nguyễn Văn Tâm… Ban Sử - Địa người đỗ đầu là Trần Quốc Vượng, rồi Phan Huy Lê, Trương Hữu Quýnh, Đặng Đức An,…
Thời gian dần trôi, mỗi người đều có một số phận riêng. Nguyễn Duy Bình được phong học hàm Phó Giáo sư, Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội II (Xuân Hòa), Cục trưởng thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo; Nguyễn Đức Nga công tác tại Bộ Giáo dục & Đào tạo cho đến ngày về hưu; Cao Huy Đỉnh trở thành nhà fonklore học, Giải thưởng Hồ Chí Minh với công trình nghiên cứu văn học dân gian; Bùi Quang Đoài đi vào lòng bạn đọc với bút danh Thái Vũ – nhà văn của tiểu thuyết lịch sử; Cao Xuân Hạo vinh danh nhà ngôn ngữ học hàng đầu; Nguyễn Văn Tâm trở thành nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học (còn có bút danh Tầm Dương) đi đầu về Vũ Trọng Phụng, Tản Đà; Phạm Hoàng Gia rẽ lối sang trở thành Tiến sĩ Tâm lí học công tác tại Khoa Tâm lí Giáo dục Trường ĐHSP Hà Nội; Ninh Viết Giao người xứ Thanh thành danh trên đất Nghệ, trở thành Phó Giáo sư, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An… Còn Thủ khoa Hà Thúc Chỉ?
Để tìm về ông tôi phải “lần” theo nhiều mối. Cuối cùng, vào một ngày đầu hạ năm 2006, cách đây 5 năm, tôi đã gặp được bà Hà Tường Vân - chị ruột nhà giáo Hà Thúc Chỉ - nhà thơ Thúc Hà tại căn hộ nhỏ trong khu tập thể Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
- “Cháu ở Đại học Sư phạm Hà Nội hả?- Bà Tường Vân hỏi tôi bằng giọng xứ Huế nhỏ nhẹ - Ngày trước bác cũng học Nga văn ở đấy. Còn Chỉ, hắn (từ dùng của người miền Trung) học khoa Văn”.
**
*
Hà Thúc Chỉ nguyên quán xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chào đời ngày 10/7/1934 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngay từ nhỏ đã ham học và say mê đọc sách, cậu lại được mẹ - Hoàng Thị Tường Vi - một nhà sư phạm mẫu mực rèn cặp.
Sau ngày Toàn quốc Kháng chiến 19/12/1946, Hà Thúc Chỉ tình nguyện đi học Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV. Năm sau trường giải thể, anh vào học Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Nghệ An và tốt nghiệp năm 1952. Với ý chí hiếu học, Hà Thúc Chỉ đã đi bộ từ Nghi Lộc (Nghệ An) ra Cầu Kè (Thanh Hoá) học Trường Dự bị đại học khóa 2 (1953 -1954). Tại đây, thầy Cao Xuân Huy đã chỉ bảo và tận tình giúp đỡ cậu trong suốt thời gian học tập. Ngày giải phóng thủ đô, trường chuyển về Hà Nội. Hà Thúc Chỉ trở thành sinh viên năm thứ 2 khoá I Trường ĐHSP Văn khoa vừa thành lập (nay là Trường ĐHSP Hà Nội).
Năm 1955, bút danh Thúc Hà xuất hiện dưới tên bài thơ “Chờ con má nhé”:
“Nhớ hôm nào tiễn con, trên bến
Bên dừa xanh, trìu mến má hôn con
Miền Nam khuất núi che non
Chiều bên lửa sáng mà còn dõi trông
…
Ngàn năm thắm mãi công ơn Bác Hồ
Tuổi cao mắt má có mờ
Cố hai năm nữa má chờ Bác vô.
Đêm đêm nhẩm dọc i tờ
Câu sao viết nỗi chữ: Hồ Chí Minh
Ghi lên lá phiếu đinh ninh
Khắc sâu thêm cả mối tình Bắc Nam
…
Má ơi ! thương má một bề
Hồ Gươm bóng Tháp nghiêng về hướng Nam
…
Cô tô tám chữ lên cờ :
( Miền Nam là của cõi bờ Việt Nam )
Con in lên gối con nằm
Con ghi trong dạ, con hằn trong tim
...
Con đi, má khóc hôm nào
Con về má đón ngã vào hai tay...
1955”
Hà Thúc Chỉ chính thức bước vào làng thơ. Từ đó “Chờ con má nhé” lan truyền trong cả nước, là tiếng nói của hàng triệu trái tim người dân Việt với nỗi đau chia cắt hai miền. Bài thơ được nghệ sĩ Châu Loan nhiều lần ngâm trong buổi Tiếng thơ trên đài Tiếng nói Việt Nam. Sách giáo khoa giảng dạy ở trường phổ thông thời đó cũng đưa bài thơ vào. Biết bao lớp học sinh đã học thuộc lòng và có người đến bây giờ sau gần 60 năm vẫn còn nhớ như in những câu thơ tình nghĩa đó. Tên tuổi Thúc Hà nổi bật trên đài thơ Việt Nam.
Đặc biệt hơn, đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ V tổ chức tại thủ đô Ba Lan (từ 31 tháng 7 đến 14 tháng 8 năm 1955) đã mang theo bài thơ xuất ngoại. Ngày 8 tháng 8 năm 1955 tại cung văn hoá ở Vacsava, “Chờ con má nhé” được trao tặng Huy chương vàng Đại hội. Một Đại hội đông đảo với 114 đoàn đại biểu, ban giám khảo cuộc thi do nhà thơ nổi tiếng Thổ Nhĩ Kì: Nadim Hitmet làm chánh chủ khảo. Để truyền tải tới thanh niên sinh viên thế giới, bài thơ được nhà thơ Phạm Huy Thông (Sau này là GS-VS Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam), dịch ra tiếng Pháp, một người khác dịch ra tiếng Anh và Bùi Sơn Tùng (nay là Anh hùng Lao động – Nhà văn Sơn Tùng) - Phó Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam khi đó - ngâm đầy xúc động trước tuổi trẻ 114 nước bằng tiếng mẹ đẻ thân thương.
Khi đoàn trở về, đã có một buổi tổ chức long trọng để trao tặng phần thưởng trên cho tác giả Thúc Hà tại Câu lạc bộ Đoàn Kết (trụ sở Đảng Xã hội Việt Nam, gần Nhà hát lớn Hà Nội). Có lần Bùi Quang Đoài và Hà Thúc Chỉ vừa bước lên cầu thang Hội nhà văn Việt Nam (buồng trong) bên cạnh một buồng xép ở 51 Trần Hưng Đạo, chợt thấy một cụ già mở cửa bước ra. Bùi Quang Đoài chào và giới thiệu nhà thơ trẻ Thúc Hà với bài thơ “Chờ con má nhé”. Thế là ông cụ vội lấy tay bỏ cái mũ “kê pi” dạ Trung Quốc, chào “ga lăng” theo kiểu Pháp nịnh đầm, khom người gần sát đất, đưa tay phải cầm mũ vái dài: “Kính chào nhà thơ tài ba của đất nước”. Hà Thúc Chỉ bối rối. Rồi đâm hoảng khi biết đó là cụ Phan Khôi – Ngự sử văn đàn, người mở đầu phong trào Thơ Mới với bài thơ “Tình già”.
Trong học tập, Hà Thúc Chỉ đỗ thủ khoa tại kỳ thi tốt nghiệp đại học. Bài luận văn nhan đề “Vấn đề con người trong giáo dục” đạt điểm cao nhất và được đăng trong Tập san Đại học (Văn khoa) – cơ quan nghiên cứu và thảo luận của bộ phận Văn khoa (Văn Sử Triết) – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 6 và 7 in năm 1956.
Với một tâm hồn giàu chất thơ, bài thi của Hà Thúc Chỉ về lịch sử giáo dục mà thăng hoa như một áng văn: “Ở Việt Nam giáo dục đang còn xây dựng trong chế độ dân chủ nhân dân. Giáo dục Việt Nam nhằm đào tạo những người thanh niên biết yêu chế độ, có đầy đủ kiến thức khoa học cần thiết để kiến thiết chế độ dân chủ nhân dân. Những vấn đề còn tồn tại do quá trình phát triển của giáo dục của chúng ta cũng là vấn đề con người. Chế độ ta sẽ tiến lên xã hội chủ nghĩa, do đó con người lí tưởng của ta cũng là con người toàn diện. Giáo dục ta cũng phải tiến tới chỗ đào tạo những con người đó. (…) Trường Đại học Tổng hợp của chúng ta được mở trong niên khóa sắp đến là bước đầu đạt nền móng cho một nề giáo dục kĩ thuật tổng hợp nhằm đào tạo con người toàn diện. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công tốt đẹp trong việc xây dựng một nền giáo dục mới dưới sự chỉ đạo của chính quyền dân chủ nhân dân”.
Thủ khoa Hà Thúc Chỉ cùng các sinh viên giỏi khác: Bùi Quang Đoài, Cao Huy Đỉnh, Cao Xuân Hạo, Phan Kế Hoành, Nguyễn Văn Tâm được giữ lại trường làm “trợ lý giảng dạy đại học”.
**
*
Tài năng đang thăng hoa, một chân trời rộng mở đang chờ đón, bỗng đâu dông tố ập xuống đầu. Bà Hà Tường Vân nhìn qua khung cửa sổ, trước mắt bà bức tường khu tập thể rêu mốc loang lổ, nhưng mấy nhành hoa dại vẫn kiên trì bám rễ. Bà lặng lẽ nâng trên tay tấm ảnh người em trai chụp cùng các bạn sinh viên ĐHSP Văn khoa... Hà Thúc Chỉ, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Văn Tâm, Bùi Quang Đoài (nhà văn Thái Vũ), Phan Kế Hoành… gặp “tai nạn nghề nghiệp” khi tham gia vào xuất bản tập san Đất Mới “cũng chỉ với ý tưởng thể hiện những tư tưởng dân chủ vừa tiếp thu trong sách vở của mình...”.
Hà Thúc Chỉ phải chuyển đến nơi làm việc mới: Ban tu thư (Bộ phận biên soạn sách giáo khoa) thuộc Vụ Giáo dục phổ thông thuộc Bộ Giáo dục. Từ năm học 1960 - 1961 Hà Thúc Chỉ chuyển về dạy văn ở Trường cấp 3 Ngô Quyền (nay là Trường Trung học Phổ thông Ngô Quyền) thành phố Hải Phòng.
Tên thầy giáo - nhà thơ Thúc Hà không những dạy văn giỏi còn dạy văn hay nhanh chóng lan khắp Hải Phòng. Đam mê với nghề sư phạm, thầy đã dâng hiến tình yêu của mình qua từng bài giảng, miệt mài và không ngừng sáng tạo. Tại đây, cửa ngõ thông thương quốc tế của miền Bắc, với những con người hồn hậu, Hà Thúc Chỉ gặp Đặng Thị Toán - cô giáo dạy Tiểu học được mệnh danh là “đệ nhất hoa khôi Hải Phòng” những năm 1960. Tình yêu nảy nở giữa hai nhà giáo trẻ và cô đã tạo cảm hứng sáng tác để bài thơ Cô giáo vỡ lòng vừa ra đời đã giành ngay Giải thưởng của báo “Người giáo viên nhân dân” năm 1961:
“Khi bình minh dậy ngoài khơi
Vạch tia nắng sáng giữa trời đêm đen
Là từng nét phấn tay em
Cũng ngời sắc trắng sáng trên bảng này
Tay em gọi nắng về đây
Soi bao lòng bé thơ ngây tới trường”
Hai người yêu nhau, cùng nhau đi tới bến bờ hạnh phúc.
35 năm gắn bó với Hải Phòng, 35 năm đứng trên bục giảng văn cho học sinh đất cảng.Thầy giáo Hà Thúc Chỉ đã đào tạo nhiều học sinh giỏi quốc gia và đóng góp nhiều chuyên đề, bài giảng trong nhiều hội nghị chuyên đề giảng dạy văn học ở Hải Phòng cũng như toàn quốc. Ngày 25 tháng 3 năm 1994 thầy giáo Hà Thúc Chỉ - nhà thơ Thúc Hà đã mãi đi về cõi vĩnh hằng vì căn bệnh ung thư, trong nỗi niềm tiếc thương của bao người. Không để lại một công trình đồ sộ, chỉ với tập thơ “Mưa biển” nhỏ nhoi và nhân cách của mình nhưng với những học trò ngưỡng mộ, mến yêu thầy giờ đây vẫn tâm huyết đi trên con đường thầy đã đi – dang dở và lận đận: văn học – và họ đã trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam: Nguyễn Thuỵ Kha, Phạm Ngà, Phạm Đức, Trần Quốc Minh, Nguyễn Thị Ngọc Hải…
Nhà thơ Trần Quốc Minh, tác giả bài thơ “Bắc Cầu” được giải nhất cuộc thi thơ của người tàn tật Hải Phòng năm 1999, năm 2000 được triển lãm trong số 100 bài thơ của người tàn tật 6 nước: Mỹ, Bra-xin, Pháp, Việt Nam, Úc, Nhật Bản đã minh hoạ thành 100 bức tranh với chủ đề "Một trái tim, một thế giới" do đài NHK của Nhật Bản tổ chức. Sang năm 2001 “Bức tranh Tình yêu” của hoạ sĩ Thành Chương minh hoạ cho bài thơ “Bắc Cầu” được Liên Hợp Quốc chọn in thành tem phát hành trên thế giới, đã nhớ lại:
“Có thể nói thầy Hà Thúc Chỉ về Hải Phòng là điều không may nhưng riêng lứa học sinh chúng tôi được học thầy là một hạnh phúc lớn. Với tôi thầy không những nhen ngọn lửa văn chương mà còn định hướng cho cuộc đời: Dù thế nào cũng phải đi bằng đôi chân của mình. Hãy sống như một người bình thường! Lời nói gói vàng là như thế!”
Kiều Mai Sơn
Viết tại Hà Nội, 8-2006
Xem lại và bổ sung tại Hà Nội, 3-2011
ảnh: tập thơ Mưa biển của nhà thơ Thúc Hà
[1] Tên bài lấy từ câu thơ Thúc Hà: “Người ta se cát làm nhà/ Tôi đây se chữ để mà làm thơ”