Giáo sư Đặng Thai Mai Cụm công trình gồm tác phẩm: Nghiên cứu văn học Việt Nam và Văn học thế giới (1945-1984) được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) HỌC GIẢ ĐẶNG THAI MAI VỚI KHOA HỌC XÃ HỘI SỬ TRUNG QUỐC
Nguyễn Đình Chú
1. Gần đây, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho in cuốn sách Xã hội sử Trung Quốc của học giả Đặng Thai Mai mà chắc chắn sẽ đưa lại cho người đọc nhiều hiểu biết lý thú về một đất nước vĩ đại có lịch sử lâu đời, sâu sắc với đất nước Việt Nam chúng ta. Cuốn Xã hội sử Trung Quốc là một dạng sách có phần đặc biệt, bởi đây không phải là công trình tự tay tác giả viết ra theo thông lệ. Nó vốn là những bài giảng (dĩ nhiên là có hình thức giáo án nào đó) của học giả Đặng Thai Mai tại lớp Đại học Hán do Ủy ban Khoa học Việt Nam mở tại Viện Văn học trong thời gian chống Mỹ, vào các năm 1966 - 1969, nay được các Giáo sư Đặng Thanh Lê, Bùi Duy Tân, Trần Nghĩa, Nguyễn Văn Hoàn, vốn là học trò của học giả tại lớp đó, dựa trên các bản ghi chép bài giảng, biên soạn lại để in thành sách. Việc làm này rất đáng hoan nghênh và còn rất đáng khuyến khích với nhiều trường hợp khác nữa, như với các bài giảng của các học giả Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo,... Việc làm này giống như việc học trò Khổng Tử xưa đã ghi lại những bài giảng của ngài để có cuốn sách Luận ngữ mà không riêng gì người Trung Quốc, còn là nhân loại, từ bao đời nay vẫn trân trọng, tìm hiểu. Ở đây, chưa thể kết luận được chất lượng ghi chép của mấy vị môn đệ này so với nội dung bài giảng của vị tôn sư của mình, chu đáo tới mức nào. Nhưng ai đọc vào cuốn sách cũng đã dễ có sự cảm phục. Đúng là có thầy như thế ắt phải có trò như thế và đây là một dẫn chứng đẹp cho tinh thần "học nhi bất yểm, hối nhân bất quyện" (học trò thì không biết chán, thầy dạy thì không biết mỏi).
2. Cuốn sách mang tự đề Xã hội sử Trung Quốc chứ không là Trung Quốc thông sử, lịch sử Trung Quốc, hoặc văn hóa sử Trung Quốc, hoặc Trung Quốc tư tưởng sử. Ở đây quả có vấn đề khu biệt giữa cái gọi là xã hội sử so với lịch sử, văn hóa sử, tư tưởng sử... Chính học giả Đặng Thai Mai, qua lời được ghi lại trong sách này đã rất có ý thức về sự khu biệt này: "Ta cần biết xã hội sử chứ không cần thiết tỷ mỷ về sử như một nhà sử học đã viết "Nước Trung Quốc có trước khi có người Trung Quốc" (tr. 22). "Cần phân biệt lịch sử (biên niên, triều đại,... ) khác với xã hội sử (cái khung của xã hội)" (tr. 69). "Khi nghiên cứu văn học, cần biết chủ yếu là xã hội sử chứ không phải thông sử" (tr. 22). "Từ năm 1925 - 1935 Liên Xô bắt đầu nghiên cứu và xây dựng môn Xã hội sử Trung Quốc. Từ đó phương pháp mới bắt đầu chiếm vị trí tư tưởng lãnh đạo trong khoa học sử Trung Quốc" (tr. 22).
Một cách giới thiệu về môn xã hội sử như vậy là đơn giản nhưng cũng chưa đủ rõ, và hẳn là dễ được chấp nhận. Ở đây có thể nói thêm: môn học này không chỉ cần cho người nghiên cứu văn học trung Quốc, mà có lẽ còn là cho mọi người cần biết về đất nước Trung Quốc, trước khi đi sâu vào một lĩnh vực nào đó như văn học, sử học, tư tưởng sử, văn hóa sử, văn minh sử, nghệ thuật sử Trung Quốc,... Xã hội sử được hiểu như trên sẽ là môn học cơ sở cho các chuyên ngành khoa học khác vì nó là khoa học chuẩn bị cho các khoa học khác do nó có tính chất bao trùm, tính chất liên ngành. Để có được môn Xã hội sử như thế, dĩ nhiên nó đòi hỏi những ai muốn vào cuộc với nó phải có trình độ hiểu biết trước hết là rất rộng, và thứ nữa là càng sâu càng quý, từ nhiều loại khoa học chuyên ngành cụ thể. Một môn Xã hội sử như thế thiết tưởng là rất cần có với mọi quốc gia, mọi đất nước, và không chỉ cho người nước ngoài muốn biết về đất nước mình mà còn là cả với chính người nước mình.
3. Học giả Đặng Thai Mai đã đến với môn Xã hội sử Trung Quốc bằng một cái thế, một cái lực có lẽ không dễ gì có nhiều trong hàng ngũ trí thức Việt Nam ngày xưa. Xưa các cụ nhà nho, trong đó có một số đã trở thành đại gia, học giả lớn. Các cụ thông hiểu, thuộc làu làu kinh truyện sử sách Trung Hoa, có khi còn nhiều hơn cả thư tịch của chính nước mình. Dù vậy thì tri thức của các cụ về Trung Hoa vẫn bị đóng khung trong phạm vi cần cho sự nghiệp thi cử, chính thống. Đối với các cụ, phần ngoại thư, phần thuộc về văn hóa dân gian, phần văn hóa xã hội Trung Hoa nói chung là còn ít biết. Có thể nói: với các cụ nhà nho xưa, có học về Trung Quốc và học tới mức phong phú sâu sắc, nhưng vẫn chưa có được Trung Quốc học (Sinologie) và các cụ cũng chưa hẳn đã là những Sinisant, tức là những nhà bác học chuyên về Trung Quốc (theo cách gọi của người Nhật Bản là Trung Quốc thông) hiểu theo yêu cầu nghiêm ngặt khoa học của thuật ngữ này. Khoa Trung Quốc học chính thức có mặt mới trong vòng từ thế kỷ XIX khi có sự giao lưu Đông Tây trong đó có yêu cầu giao lưu văn hóa Đông Tây được đặt ra một cách cấp thiết. Và có lẽ không ai khác, chính một số học giả phương Tây đã khai sinh ra nền Trung Quốc học.
Ở nước ta, Trung Quốc học có mặt chủ yếu từ trong giai đoạn có công cuộc hiện đại hóa văn hóa, có thể tính từ những năm hai mươi của thế kỷ này. Thành quả này không thể không liên quan đến thành quả Trung Quốc học của nhiều người Pháp trên đất nước ta trong hoàn cảnh bị thực dân Pháp chiếm đóng (trước năm 1945). Nói Trung Quốc học khác học về Trung Quốc là bởi lẽ nó mới thực sự có một chuyên ngành khoa học có đối tượng nghiên cứu riêng đã đành mà còn có một hệ thống phương pháp thích ứng với đối tượng nghiên cứu đó. Học giả Đặng Thai Mai là một người có vai trò tiên phong đặt nền móng cho Trung Quốc học của Việt Nam với một tư thế vững chãi. Trước hết ông là người sinh ra trong một gia đình đại Nho. Ông nội đậu cử nhân. Thân phụ đậu phó bảng, từng được coi là bậc anh cả trong làng Hán học của xứ Nghệ trong những năm đầu thế kỷ XX. Chú ruột đậu tú tài. Gia đình họ Đặng này có một tủ sách được xem là một trong hai tủ sách tư nhân lớn nhất vùng Nghệ Tĩnh bấy giờ (tủ sách kia là thuộc gia đình Tổng tài Quốc sứ quán Cao Xuân Dục ở Diễn Châu).
Đặng Thai Mai thuở nhỏ đã được giáo dưỡng trong không khí và cũng là trong môi trường Hán học vào loại nhất vùng, nhất nước thời đó. Mới mười một, mười hai tuổi cậu bé Đặng Thai Mai hầu như ngốn hết toàn bộ tủ sách chữ Hán của gia đình, trong đó ngoài sử sách kinh truyện truyền thống còn có cả tân thư. Sau đó, ông theo con đường Tây học, đậu tới bằng Cao đẳng Sư phạm, tức là một thứ bằng cấp cao nhất về Tây học đương thời. Và như thế, ông đã trở thành một trí thức mang trong mình, ngoài văn hóa dân tộc, có hai nền văn hóa Đông Tây, đặc biệt là càng về sau với tư chất thông minh trác việt và sự nghiên cứu, học hỏi bền bỉ của mình, ông thực sự đã là người thể hiện sự hội tụ văn hóa Đông Tây tới mức đáng gọi là bậc thầy của thiên hạ. Ở đây nói Đông Tây, thì cái gọi là Đông đó, với ông, trước hết chính là Trung Quốc học. Ông đã đến với Trung Quốc học không chỉ bằng con đường mọt sách kiểu nhà nho thuở trước, mà còn bằng sự hỗ trợ, sự tiếp thu thành quả của ngành Trung Quốc học của phương Tây với những tên tuổi quen thuộc từng được chính ông nhắc đến như Kirchner, Lacordaire, Wieger, Licent, Tailhard de Chardin, Anderson, Grousset, Maspéro,... và còn là thành tựu khoa học của chính các học giả Trung Hoa về đất nước mình, tiêu biểu như Lỗ Tấn, Hồ Thích, Phạm Văn Lan, Quách Mạt Nhược. Đây là chưa kể đến thành tựu của các nhà Trung Quốc học người Úc, người Nhật,... thành tựu Trung Quốc học của học giả Đặng Thai Mai vẫn tuân theo tính Đặng Thai Mai là ở lĩnh vực nào cũng vậy, cái viết ra so với cái biết được cũng vẫn là ít hơn. Dù vậy thì cũng đã có tính chất đa dạng. Có công trình là nghiên cứu như cuốn Lỗ Tấn, thân thế, văn nghệ (1); Tạp văn Trung Quốc ngày nay (2), Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc (3); Mấy điều nhớ lại trên đường tiếp xúc với văn học Trung Hoa (4). Mối quan hệ lâu đời và mật thiết giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc (5);... có các công trình dịch thuật như: AQ chính truyện (Lỗ Tấn), Lôi vũ (Tào Ngu), Tân dân chủ nghĩa luận (Mao Trạch Đông), Nhật xuất (Tào Ngu), Lịch sử thế giới hiện đại (Dương Vinh Quốc), Ả Sim (Dân ca Vân Nam),...
4. Những thành tựu về Trung Quốc học trên đây là rất quý báu. Nhưng thiết tưởng muốn biết thế nào là trình độ Trung Quốc học của học giả Đặng Thai Mai, theo ý của người học trò nhỏ này của ông, thì phải đọc vào cuốn sách Xã hội sử Trung Quốc, mặc dù cuốn sách chỉ dày 238 trang (không kể phần phụ lục). Trước hết cuốn sách dù không cung cấp cho độc giả thư mục nghiên cứu (vì đây là bài giảng được ghi lại chứ không phải là sách do tác giả viết để in), nhưng chúng ta vẫn thấy tác giả coi trọng công tác tư liệu (documents) quan trọng đến chừng nào. Bởi đây là một nét đã thành cốt cách tiêu biểu của học giả Đặng Thai Mai (tất nhiên là với các học giả chân chính khác nữa): nói điều gì là nói có sách mách có chứng. Bạn đọc xem chương III: Vấn đề tư liệu trong Trung Quốc học với nội dung được trình bày trong các tiểu mục: 1. Nhận xét chung về tình hình tư liệu trong Trung Quốc học, trong đó có: a) Tầm quan trọng của vấn đề tư liệu Trung Quốc học; b) Tình hình tư liệu Trung Quốc học qua các thời đại; c) Lý do của tình hình trên. 2. Nguồn tư liệu trực tiếp, trong đó: a) Tư liệu hay tài liệu; b) Những công trình kiến trúc và các cổ họa; c) Sử sách Ngũ kinh Tứ thư, hẳn sẽ thấy phần nào cái gọi là sự uyên bác, về mặt chiếm lĩnh tư liệu nghiên cứu cổ kim Đông Tây của nhà học giả Đặng Thai Mai trong khi xử lý đề tài Xã hội sử Trung Quốc, điều mà với nhiều công trình khoa học khác, ta ít thấy với tầm cỡ đó.
Đến với cuốn sách Xã hội sử Trung Quốc, người đọc cũng dễ nhận ra một sự tương ứng sang trọng giữa tình hình chiếm lĩnh tư liệu với những nội dung về học thuật được trình bày. Tác giả đã trình bày một cách cô gọn, có lượng thông tin tối ưu mà khuôn khổ sách cho phép về "Nguồn gốc của dân tộc và văn hóa Trung Quốc", "Quá trình phát triển của dân tộc Trung Hoa", "Vấn đề tư liệu trong Trung Quốc học", về "Dấu vết của con người nguyên thủy Trung Quốc", về "Thời đại đồ đá mới. Dấu vết công xã nguyên thủy", về "Chế độ nô lệ Trung Quốc" bao gồm các thời nhà Hạ, nhà Thương, Tây Chu, Xuân thu (Đông Chu), Chiến quốc (trong đó có Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử), về "Thời kỳ phong kiến", về "Xã hội Trung Quốc trong thời kỳ chuyển hóa từ phong kiến sang nửa thực dân" với những sụ kiện lớn: chiến tranh Nha phiến, Thái bình thiên quốc, Trung Nhật chiến tranh, Mậu Tuất chính biến, Nghĩa hòa đoàn, Cách mạng Tân Hợi, Khải Mông vận động, Ngũ tứ vận động.
Ở từng vấn đề được nêu lên, tác giả đã tỏ ra có sự hiểu biết bao quát cặn kẽ và có cách trình bày vừa mang tính khái quát, vừa mang tính cụ thể. Khái quát là những vấn đề bản chất có tính quy luật. Cụ thể thì có thể là chuyện giải thích một chữ, ý một câu văn cổ, hoặc phong tục này, phong tục khác của người xưa mà người nay ít ai biết tới,... Những phần hấp dẫn nhất đối với người đọc vẫn là những phần giảng trong đó tác giả bộc lộ tính chất thông thái được thể hiện dưới hình thức tổng kết tình hình học thuật và đưa ra kiến giải riêng của mình. Ví như xung quanh vấn đề nguồn gốc văn hóa Trung Quốc mà từng đã diễn ra nhiều quan điểm giải thích: quan điểm truyền thống của các sử gia phong kiến Trung Quốc chủ trương "Văn hóa Trung Hoa nảy nở ngay trên đất Trung Hoa" là dựa trên cơ sở của tinh thần dân tộc nhưng đã không tránh khỏ lý thuyết độc tôn (Theorie du superbe isolement): "Phóng chi tứ hải nhi giai chuẩn" (tung ra bốn biển đều đúng).
Quan điểm cho văn hóa Trung Quốc là từ phương Đông đến, từ bể Đông vào (nơi có đảo gọi là Hoa Tư), là từ Mỹ sang (cụ thể là từ Alaska), là từ Mã Lai lên với giống người Miêu, là từ phương Tây và Ai Cập đến, là từ Ấn Độ sang,... Tác giả đã có cách đánh giá các quan điểm trên một cách thỏa đáng, trong đó đã chỉ ra có loại động cơ muốn làm nhục Trung Quốc của một số người phương Tây. Đọc cuốn Xã hội sử Trung Quốc, người đọc cũng có thú vị trước những lời "tạt ngang" của tác giả. Tạt ngang theo kiểu liên hệ so sánh với thế giới, với phương Tây, và đặc biệt là với chính nước mình. Những lời "tạt ngang" này cho người đọc có cơ hội thấy rõ thêm tính uyên bác, trình độ bao sân văn hóa, lịch sử thế giới và phần nào cũng là tấm lòng của tác giả muốn học trò của mình năm xưa, độc giả hôm nay hãy từ chuyện nước ngoài mà nghĩ về chuyện nước mình.
Sách Xã hội sử Trung Quốc bao gồm nhiều loại kiến thức về đất nước Trung Quốc từ cổ đại đến cận đại, trong đó có phần văn hóa tư tưởng. Và nói riêng ở loại tri thức này, những gì tác giả đã nói đến, dù là ít nhưng vẫn rất tinh. Có trường hợp như với Nho giáo, với học thức của Khổng Tử, ý kiến của ông quả là đã vượt lên trên không khí học thuật ở Việt Nam đương thời. Chúng ta đều biết, vào những năm sáu mươi, bảy mươi tại Hà Nội, trên phương diện chính thống, khuynh hướng phủ nhận Nho giáo nói chung, Khổng Tử nói riêng là một sự thật. Nhưng chính trong môn Xã hội sử Trung Quốc giảng cho các sinh viên Đại học Hán văn, học giả Đặng Thai Mai, ít ra đã bốn lần nói rõ "Khổng Tử là một nhà tư tưởng vĩ đại của Á Đông", "Một nhân cách vĩ đại", "Một nhà giáo dục vĩ đại", "Một nhân vật xứng đáng được nghiên cứu với nhiều chuyên đề.." và "Đạo Khổng ở nước ta cũng là một chuyên đề lớn". Tất nhiên tác giả không quá khích trong việc đề cao quá đáng Khổng Tử. Chả thế mà ông đã cho việc Mạnh Tử đề cao Khổng Tử tới mức coi đó là mặt trăng, mặt trời là quá đáng. Ông thấy rõ hạn chế của Khổng giáo là đã không đi tới vấn đề bản luận (Ontologie) do đó mà "kém chiều cao, chiều sâu". Đặc biệt, ông thấm thía với sự thật là tư tưởng của Khổng Tử thì "từ người kém đến người thông minh nhất đều hiểu được, nhưng thực sự hiểu được ông vẫn khó". Trong sự khó hiểu này, chắc hẳn nhà học giả không loại trừ mình. Mà đúng là phải thế. Bởi nếu tiên sinh còn sống thì sẽ thấy vào những năm cuối cùng của thập kỷ XX này, không riêng gì ở Trung Quốc, ở Việt Nam, mà cả một phần trên thế giới, cách nghĩ về Khổng Tử, Nho giáo lại có thêm nhiều điều mới khác. Cái điều mà tiên sinh đã nói đến: uy quyền tư tưởng của nhà tư tưởng vĩ đại Khổng Tử trong xã hội phong kiến là không một ai địch nổi và chỉ đến năm 1919 với Ngũ tứ vận động thì thần tượng đó mới bắt đầu bị hạ, quả là một sự thật nhưng đến nay sự thật đó lại bắt đầu có sự thay đổi. Khổng giáo không bị chê bai, dù sao cũng là đơn giản, như thời Ngũ tứ nữa. Người viết bài này chỉ tiếc là vị sư phụ rất mực kính yêu của mình đã không còn có mặt trên trần gian để được hỏi thêm điều này điều khác về Khổng giáo, về xã hội sử Trung Quốc theo cách nghĩ hôm nay. Dù vậy thì những gì sư phụ để lại cho học trò, cho hậu thế ở cuốn sách Xã hội sử Trung Quốc này đã là quý hiếm lắm rồi.
(Tháng Chạp năm Giáp Tuất, tại nhà riêng ở Đồng Xa)