Sinh viên nó cần mình chứ mình đâu cần nó?
Bác Nguyễn Văn Mai, chủ một dãy nhà trọ ở Dịch Vọng Hậu đã có thâm niên hơn 20 năm cho SV thuê nhà nói thao thao bất tuyệt: “Càng sát ngày nhập học, nhu cầu quá bức thiết rồi thì có đắt một chút sinh viên vẫn phải thuê. Tôi có 10 phòng thì 2 phòng đã có người đặt tiền trước rồi, 8 phòng còn lại chỉ nay mai là hết … ”. Chị Đỗ là hàng xóm của bác Mai, nhà chỉ có 5 phòng, mới 2 phòng có người ở nhưng chị vẫn treo bảng “hết phòng” mà không hề sốt ruột: “Sinh viên nó cần mình chứ mình không cần nó! Đợi đám mới lên, 3 cái phòng này có đắt thêm 100000 đồng-200000 đồng/tháng cũng là chuyện thường”Nhà trọ chất lượng thấp, giá rẻ vẫn là ưu tiên số 1 của sinh viên.
Trong khi chủ trọ “găm phòng” chờ nâng giá phòng thì sinh viên cũng có cách ứng phó.Trần Thu Huyền, sinh viên năm 3 khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế Quốc dân đã “găm phòng” từ trước hè, chấp nhận mất không 1 tháng tiền nhà để đầu năm thoát khỏi cảnh vạ vật săn tìm nhà trọ. Năm nay, khu trọ của Huyền đông người thêm và các phòng cũng cố ghép thêm người để giảm chi phí.
Tình trạng khan hiếm phòng trọ không chỉ diễn ra ở nội đô, gần các trường học mà ở những vùng xa như các khu: Xuân La, Từ Liêm, Cầu Diễn,Trương Định, Hoàng Mai cũng đang là những điểm nóng thu hút sinh viên.
Những xóm trọ “thông tuông” thế này không đảm bảo an ninh nhưng Hoà cũng như các bạn sinh viên khác vẫn phải thuê |
Đến khu Trương Định, rẽ vào ngõ Giáp Nhị. Con phố ngoằn ngoèo, hun hút, chỉ có vài dãy nhà trọ nằm sâu bên trong, ẩm thấp, tồi tàn, phải mất 15phút đi bộ mới ra được điểm xe buýt gần nhất. Nhưng đây là nơi trú ngụ của rất nhiều sinh viên ĐH Xây dựng, Bách Khoa. Nguyễn Văn Hòa, quê Lập Thạch - Vĩnh Phúc, học năm thứ 3 ĐH Bách Khoa chia sẻ: “Đoạn gần trường có nhiều nhà trọ nhưng không còn chỗ cho mình. Nếu còn, mình cũng không kham nổi giá, vì đắt gần gấp đôi dưới này”.
1 phòng ngay cạnh phòng Hòa, rộng chừng 10 m2, điện 2.500 đồng/số, nước 35.000 đồng/ tháng có giá cho thuê là 600000 đồng/tháng. Ông Minh, chủ dãy nhà trọ trong ngõ 54 Giáp Nhị khoát tay: “Phòng trọ bây giờ không bao giờ có chuyện ế ẩm. Hôm nay người này đi, mai lại có người khác chuyển đến ngay, có khi còn được giá cao hơn”. Ông Minh cũng còn vài phòng nhưng chưa muốn cho thuê vì bác còn đang … nghe ngóng tình hình!
Khổ thì ráng chịu...
Cẩn thận với các môi giới nhà trọ! |
An ninh tại những khu trọ là điều đáng phải bàn nhiều nhất, kể cả nhà trọ gần hay xa trường, đắt hay rẻ. Khu nhà của em Hòa (ĐH Bách Khoa) dưới ngõ Giáp Nhị có 7 phòng, nhưng cửa cổng … “thông tuông”, người đi đường có thể xồng xộc chạy xe thẳng vào tận cửa.
Ở những điểm có nhiều người lao động thuê trọ cùng, chuyện an ninh càng trở nên phức tạp. Nguyễn Văn Bằng, quê ở Nam Định, sinh viên ĐH Giao thông Vận tải HN thuê nhà ở Cầu Diễn kể: “Sáng mình chưa ngủ dậy người ta đã ồn ào chuẩn bị đi làm. Tối muộn mình ngủ rồi người ta mới về, rồi xì xụp tắm giặt, ăn uống. Không tìm được nơi nào rẻ hơn nên đành chấp nhận”.
Khu nhà của bác Kiên dưới Phùng Khoang có 17 phòng nhưng phòng nào cũng chỉ rộng chừng 8 m2, tường bong vôi vữa lởm chởm, mùi ẩm ướt xông lên mũi. Vậy mà giá không hề rẻ: 550.000 đồng/ tháng, chưa kể điện 2.500 đồng/số và nước giếng khoan, lọc 30.000 đồng/ tháng. Anh Thắng, người vừa tìm được phòng trọ cho con ở khu này ngậm ngùi: “Cho con ở khu này, tôi cũng không vừa lòng, vì điều kiện sống không tốt thật. Nhưng nếu thuê nhà 1 triệu/tháng thì quả thực tôi kham không nổi".
Một nam sinh viên ngụ ở đây được hơn 1 năm rồi kêu ca: “Cả xóm trọ này có cả nam cả nữ nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, một nhà tắm. Nước giếng khoan luôn trong tình trạng “khô bể”, điện chập chờn, hỏng hóc liên tục. Không gian chung gần như không có nên rất âm u”.
Nhất là vào mùa mưa như hiện nay, các dãy nhà trọ ẩm thấp bị dột, ngập úng là nỗi ám ảnh của sinh viên nghèo. Lan, sinh viên ĐH Quốc Gia HN thuê nhà trong khu tập thể ĐH Thương Mại, cứ mỗi lần mưa gió là nước mưa ào vào tận chân giường. Mỗi lần như thế, đồ đạc lại được một phen đảo lộn tứ tung, xoong nồi bát đĩa “nhảy” hết lên giường. Đợi khi nước rút mất nửa ngày, công cuộc dọn vệ sinh đôi khi chiếm quá nửa thời gian đến lớp hôm đó.
Các chủ nhà trọ biết hết tình cảnh của sinh viên nghèo, nhưng họ cũng có cái khó của mình. Bác Mai, chủ nhà trọ ở Dịch Vọng Hậu phân bua: “Chúng tôi cũng chỉ sống nhờ phòng trọ thế này thôi, nên nếu có muốn giúp cũng khó vì giúp họ thì cũng như tự cắt miếng cơm manh áo của mình và cả gia đình".