“Mường Nhé… xa lắm!” - Tôi thấy xót lòng khi thấy những mái nhà tranh, vách nứa xơ xác… mà mới thoáng qua thôi, nhiều người sẽ lầm tưởng với một góc chợ quê nào đó. Nơi có những con người đang sống: các thầy cô, đồng nghiệp của chúng tôi và các em học sinh thân yêu!
Mường nhé… xa lắm, thương lắm và sẽ còn trăn trở hơn khi chắc chắn rằng, trên đất nước này không chỉ có một Mường Nhé, không chỉ có một ngôi trường khiến chúng ta phải bận tâm như thế!
“Đất nước còn nghèo, còn nhiều gian khó” - câu nói này đã trở nên quá quen thuộc. Nhưng nghèo mấy và khó đến mấy đi chăng nữa, thì sự tồn tại của những ngôi trường như ở Mường Nhé, chắc chắn sẽ còn là nỗi day dứt của rất nhiều người. Bởi đất nước được giải phóng và công cuộc đổi mới đã đi qua được mấy chục năm rồi… và so với những công trình đầu tư đồ sộ, những tòa nhà cao ốc chọc trời, những đại lộ thênh thang, những dự án cho tương lai hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng chục tỷ đô la… thì sự đầu tư cho những ngôi trường như ở Mường Nhé và những vùng sâu, vùng xa… không phải là điều khó khăn đến mức không thể làm nổi.
Có lẽ không phải vì nghèo, mà vì Mường Nhé còn ở xa, xa quá… nên đã bị lãng quên trong các hoạch định tương lai chăng?
Đó là những việc làm rất đáng trân trọng, nên làm và rất cần phải làm. Nhưng thiết nghĩ, không những phải làm tốt hơn và nhiều hơn thế nữa, mà còn phải có cách nghĩ và cách làm khác, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Mà đầu tư cho tương lai thì cơ bản không thể chỉ dựa vào lòng hảo tâm và nhân đạo. Ở đó rất cần sự quan tâm và những chính sách quốc gia, mang tầm vĩ mô hơn, chiến lược hơn, kèm theo những chỉ đạo thực hiện thực sự quyết liệt hơn. Đất nước đổi mới, sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo đã tiến những bước khá dài- Đó là những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào mà không ai có thể phủ nhận được. Nhưng mỗi lần nhìn lũ trẻ sống như thiên đường ở thành phố, tôi lại chạnh lòng nhớ tới Mường Nhé và hiểu rằng Mường Nhé… đúng là còn ở rất xa, xa lắm! Khi tôi đang miên man nghĩ về Mường Nhé, nghĩ về các thầy cô giáo và lũ học trò đang sống đạm bạc và nghèo khó trong những khu nhà mái tranh vách nứa, thì ở đâu đó đang vang lên ca khúc “Không xa đâu Trường Sa ơi!” - Đấy không chỉ là một lời ca, đấy là một lời cảm thông, chia sẻ… và hơn thế nữa, đấy còn là một lời kêu gọi cả nước hướng về nơi biên giới, hải đảo xa xôi và thiêng liêng của tổ quốc. Hà Nội, tháng 4/2010
“Không xa đâu Trường Sa ơi!”… Bỗng nhiên tôi lại thầm mơ ước: Bao giờ cho tôi được nghe câu hát “Không xa đâu… Mường Nhé ơi, không xa đâu… vùng xa ơi!”- để các thầy cô giáo và các em học sinh vùng sâu, vùng xa cũng có được sự cảm thông và sẻ chia như thế.
Kiều Thế Hưng
Theo: http://dantri.com.vn/c202/s202-397915/khong-xa-dau-muong-nhe-oi.htm